Trung Quốc bỏ qua mục tiêu GDP, công bố một loạt biện pháp tài khóa hỗ trợ kinh tế
Điều này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc không đặt mục tiêu GDP kể từ năm 1990, khi chính phủ bắt đầu công bố các mục tiêu như vậy.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng nếu cứ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP một cách cứng nhắc, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ để đạt tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, điều đó không phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia Đông Bắc Á này.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh tỏ ra khá thận trọng với các hoạt động tín dụng giữa bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chậm lại kể cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Cũng trong Báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc tại Kỳ họp thứ ba Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp tài khóa trị giá lên đến 4,1% GDP của nước này, theo tính toán của Reuters, nhằm củng cố nền kinh tế.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường chính sách kích thích để thúc đẩy nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 tàn phá trong bối cảnh lo ngại gia tăng rằng mất việc làm có thể đe dọa sự ổn định xã hội.
Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng về những gói kích thích mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, trong khi, một số người ủng hộ một cách tiếp cận có kiểm soát để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này cho thấy sự khác biệt về quan điểm đang tồn tại giữa các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc suy giảm 6,8% trong quý I/2020 so với một năm trước, lần đầu tiên tăng trưởng âm trong nhiều thập kỷ, do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 làm tê liệt sản xuất và đánh vào chi tiêu.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang chứng tỏ sự hồi phục dần khi sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau nhiều tháng áp đặt lệnh phong tỏa và dịch bệnh hiện đã được kiểm soát, Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế.