Trung Quốc buộc phải hạ lãi suất, bơm tiền khi nền kinh tế giảm tốc
Toàn năm 2021, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 8,1% cao hơn hẳn mục tiêu "trên 6%" của chính phủ.
Kinh tế Trung Quốc hứng chịu hàng loạt cú sốc trong nửa cuối 2021: Thiếu hụt năng lượng, làn sóng vỡ nợ từ khủng hoảng nhà đất và bất động sản, các đợt bùng phát COVID-19 liên tục.
Sự giảm tốc của kinh tế buộc giới quan chức phải tăng cường chi tiêu ngay từ đầu năm để thúc đẩy đầu tư và hoạt động kinh tế. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa cắt giảm lãi suất chính sách để hỗ trợ tăng trưởng, lần đầu tiên kể từ đầu 2020.
Triển vọng 2022 của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, với nhu cầu của thế giới được được dự báo là sẽ giảm tốc, chủng Omicron lây lan trong và ngoài nước và cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất bắt đầu từ Evergrande vẫn chưa đến hồi kết.
Các nhà kinh tế Bloomberg Economics đánh giá việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất công cụ cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm lớn hơn dự kiến thể hiện sự nghiêm túc trong việc tạo ra chỗ dựa cho nền kinh tế.
Động thái này cho thấy các ngân hàng sẽ niêm yết lãi suất cho vay cơ bản một năm thấp hơn trước vào ngày 20/1, cung cấp thêm trợ lực cho nền kinh tế đang chậm lại. Đây sẽ là lần giảm lãi suất tháng thứ 2 liên tiếp.
Bắc Kinh đã đặt "ổn định kinh tế" là mục tiêu hàng đầu trong năm nay, báo hiệu chính phủ sẽ tung thêm biện pháp kích thích để thúc đẩy tăng trưởng. Thương mại là điểm sáng năm ngoái, với xuất khẩu cả năm 2021 đạt kỷ lục 3.360 tỷ USD nhờ nhu cầu lớn từ Mỹ, châu Âu và châu Á.
Trong ba tháng cuối năm, kinh tế Trung Quốc mở rộng 1,6% so với quý liền kề, nhanh hơn tốc độ 0,7% của ba tháng trước đó.
PBOC đã vượt lên trên kỳ vọng kích thích của thị trường với việc giảm hai lãi suất chính sách quan trọng trước khi công bố GDP. Ngân hàng giảm lãi suất công cụ cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm từ 2,95% xuống 2,85% và hạ lãi suất repo nghịch đảo 7 ngày từ 2,2% xuống còn 2,1%.
Đồng thời, PBOC bơm thêm thanh khoản bằng cách cung cấp 700 tỷ nhân tệ (110 tỷ USD) các khoản vay MLF, vượt quá 500 tỷ nhân dân tệ nợ vay đến hạn, và rót thêm 100 tỷ nhân dân tệ với các hợp đồng repo nghịch đảo 7 ngày, vượt quá giá trị 10 tỷ USD đến hạn.
Chứng khoán Trung Quốc bật tăng sau tin lãi suất giảm. Chỉ số CSI 300 có lúc tăng tới 0,9% sau hai ngày giảm liên tiếp.
Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tháng 12/2021 tăng 4,3% so với một năm trước, mạnh hơn dự đoán chung là 3,7%. Tính cả năm, sản lượng đi lên 9,6%. Sản lượng công nghiệp tháng này nhiều khả năng sẽ suy yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, gián đoạn từ những biện pháp khống chế dịch ở Tây An, Thiên Tân và những thành phố khác, cũng như hạn chế sản xuất đối với công nghiệp nặng ở miền bắc Trung Quốc để đảm bảo không khí trong lành cho kỳ Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 12 đạt 1,7%, thấp hơn hơn ước tính 3,8% và chậm hơn hẳn tốc độ 3,9% của tháng 11. Tổng doanh số bán lẻ cả năm 2021 tăng 12,5%. Tuy doanh thu từ dịch vụ ăn uống vẫn chịu áp lực từ đại dịch, hoạt động mua sắm vào dịp lễ cuối năm và cận tết có lẽ đã hỗ trợ phần nào.
Đầu tư cho tài sản cố định năm 2021 lớn hơn 4,9% so với 2020, với đầu tư cho bất động sản, cơ sở hạ tầng lần lượt tăng 4,4% và 0,4%. Chi tiêu cho sản xuất nhảy vọt 13,5%.
Tuy Trung Quốc đã nới lỏng một số hạn chế lên tài trợ bất động sản, tác động từ động thái này vẫn chưa xuất hiện trong số liệu. Tăng trưởng trong đầu tư cơ sở hạ tầng cũng đi lên chậm chạp dù chính phủ trung ương kêu gọi chính quyền địa phương vay và chi tiêu.Tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối năm ngoái là 5,1%.