Trung Quốc đang âm thầm tích trữ các hàng hóa quan trọng?

Giang 07:00 | 25/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các nguồn nguyên liệu nước ngoài, từ lương thực cho đến kim loại và dầu mỏ. Nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, có khả năng ông sẽ tìm cách cản trở khả năng tiếp cận của Trung Quốc tới những mặt hàng này.

(Hình minh họa: Alamy).

Trung Quốc tiêu thụ lượng lớn nguyên liệu thô trong 20 năm qua. Dân số nước này ngày càng đông và giàu có hơn, do đó họ cần thêm sữa, ngũ cốc và thịt. Các ngành công nghiệp khổng lồ của nước này cũng đòi hỏi nhiều năng lượng và kim loại.

Nhưng trong vài năm gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sa vào khủng hoảng bất động sản và suy yếu. Các quan chức chính phủ tuyên bố họ muốn chuyển đổi mô hình kinh tế khỏi các lĩnh vực tiêu tốn nhiều tài nguyên. Theo logic, nhu cầu dành cho hàng hóa của Trung Quốc phải giảm nhanh.

Song, thực tế cho thấy điều ngược lại. Năm ngoái, khối lượng nhập khẩu nhiều loại hàng hóa cơ bản đã leo lên mức cao nhất trong lịch sử, trong khi khối lượng nhập khẩu mọi loại hàng hóa tăng 16%. Sang năm 2024, lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu trong 5 tháng đầu tiếp tục đi lên 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tờ Economist lập luận rằng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, xu hướng trên không phản ánh sự gia tăng của tiêu dùng. Thay vào đó, Trung Quốc có vẻ đang khẩn trương dự trữ nguyên liệu dù giá hàng hóa đang ở mức cao.

Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh dường như đang lo lắng về các rủi ro địa chính trị mới, bao gồm khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng và tìm cách cản trở các nguồn cung quan trọng của Trung Quốc.

Điểm yếu lớn

Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào tài nguyên của nước ngoài. Dù là trung tâm tinh chế hàng đầu thế giới đối với nhiều kim loại, Trung Quốc phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu thô, ví dụ như 70% bauxite và 97% cobalt.

Các nhà máy của Trung Quốc cũng được vận hành dựa trên năng lượng nhập khẩu. Trung Quốc sở hữu rất nhiều than nhưng phải mua 40% khí tự nhiên và 70% dầu thô từ nước ngoài.

Tuy nhiên, mặt hàng mà Trung Quốc phụ thuộc sâu sắc nhất là lương thực, thực phẩm. Hồi năm 2000, hầu hết các thực phẩm mà người Trung Quốc ăn là đồ sản xuất trong nước, ngày nay tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 66%. Trong số 125 triệu tấn đậu nành mỗi năm cần để nuôi 400 triệu con heo, Trung Quốc nhập khẩu 85%.

Hiểu rõ điểm yếu trên, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các kho dự trữ “chiến lược” từ cuối thời chiến tranh lạnh.

Những mặt hàng đáng chú ý bao gồm ngũ cốc, dầu mỏ, kim loại công nghiệp và khoáng sản liên quan đến quốc phòng.

Ba sự kiện thế giới gần đây đã thúc đẩy Trung Quốc tích trữ nhiều hơn nữa. Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan lên 60 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ, buộc Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế đối với đậu nành của Mỹ.

Tiếp đến, COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm tăng chi phí nguyên liệu. Sau đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá cả tăng vọt và cho thấy Mỹ sẵn sàng áp lệnh cấm vận lên những quốc gia lớn.

Ông Trump, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, rất có thể sẽ quay trở lại Nhà Trắng. Khi đó, Mỹ có thể bắt đầu hạn chế xuất khẩu lương thực sang Trung Quốc, sau đó thuyết phục những nhà cung cấp lớn khác như Brazil và Argentina làm theo.

Ngoài ra, Washington còn có khả năng tác động đến những nước bán kim loại cho Trung Quốc, bao gồm Australia và Chile.

Chuẩn bị sẵn sàng

Trung Quốc có vẻ đang chuẩn bị cho môi trường địa chính trị kém thân thiện hơn. Sự chuẩn bị của Trung Quốc bắt đầu bằng việc mở rộng quy mô hạ tầng cần thiết để dự trữ hàng hoá.

Kể từ năm 2020, công suất lưu trữ dầu thô của Trung Quốc đã tăng từ 1,7 tỷ lên 2 tỷ thùng. Tương tự, công suất của các kho dự trữ khí đốt ngầm đã tăng 6 lần kể từ năm 2010 lên 15 tỷ m3 vào năm 2020, với mục tiêu đặt ra là 55 tỷ m3 vào năm 2025. Trung Quốc cũng đang xây dụng hàng chục bể chứa khí tự nhiên hóa lỏng tại các bờ biển.

Song song với việc lấp đầy các cơ sở dự trữ nói trên, Trung Quốc cũng tìm cách giữ kín bí mật về chúng. Các chuyên gia thống kê của Bắc Kinh đã ngừng công bố dữ liệu tồn kho của nhiều loại hàng hóa.

Nhưng vẫn còn các cách khác để ước lượng mức độ lo ngại của Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính rằng đến cuối mùa trồng trọt hiện nay, trữ lượng lúa mỳ và ngô của Trung Quốc sẽ tương ứng lần lượt 51% và 67% trữ lượng toàn thế giới. Khối lượng này đủ để đáp ứng ít nhất một năm nhu cầu của Trung Quốc.

Dự trữ đậu nành, mặt hàng nông sản nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc, đã tăng gấp đôi kể từ năm 2018, lên 39 triệu tấn. Dự kiến trữ lượng đậu nành sẽ đạt 42 triệu tấn vào cuối mùa vụ hiện tại.

Tăng tốc

Trung Quốc cũng nỗ lực không kém cho việc tích trữ kim loại và nhiên liệu. Ông Tom Price, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của ngân hàng Liberum Capital, ước tính lượng tồn kho Trung Quốc tích lũy từ năm 2018 đủ để đáp ứng từ 35% đến 135% nhu cầu hàng năm, tùy theo từng loại hàng hóa.

Đến cuối mùa xuân, Trung Quốc có 25 tỷ m3 khí đốt dự trữ, đủ để đáp ứng 23 ngày tiêu thụ. Trong khi đó, hãng tư vấn Rapidan Energy ước tính trữ lượng dầu thô của Trung Quốc đã tăng trung bình 900.000 thùng/ngày kể từ đầu năm ngoái. Đến tháng 6/2024, tốc độ lấp đầy được đẩy lên 1,5 triệu thùng, cho thấy Trung Quốc đang tăng tốc.

Những nỗ lực trên đã giúp trữ lượng dầu thô của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ thùng, tương đương với lượng nhập khẩu trong 115 ngày. Để so sánh, số dầu thô Mỹ dự trữ vào khoảng 800 triệu thùng.

Tờ Economist cho biết hoạt động tích trữ của Trung Quốc khiến phía Mỹ lo lắng, một phần bởi động thái đó có thể khiến giá cả hàng hóa và lạm phát nóng lên.

Nguyên nhân lớn hơn là những mặt hàng dự trữ này chính là những gì Trung Quốc cần để chống chịu với một cuộc xung đột kéo dài, ví dụ như nếu căng thẳng ở eo biển Đài Loan bùng phát. Nhưng hiện thời, các dữ liệu cho thấy việc tích trữ của Trung Quốc nhiều khả năng chỉ là biện pháp đề phòng.