Trung Quốc thành lập quỹ cứu trợ ngân hàng trị giá hàng chục tỷ USD
Quỹ mới nhằm đảm bảo sự ổn định của lĩnh vực tài chính sẽ hỗ trợ cho các tổ chức lớn như các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty cho thuê tài chính trong trường hợp phá sản hay thua lỗ đầu tư gia tăng do biến động của các thị trường nước ngoài làm suy yếu toàn bộ hệ thống tài chính.
Các mục đích sử dụng khác bao gồm việc cung cấp thanh khoản tạm thời để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn tránh nguy cơ phá sản và bơm vốn nhằm đưa các công ty phá sản vào sự kiểm soát của nhà nước để thực hiện quy trình phá sản có trật tự và sau đó là phát mãi.
Nguồn vốn của quỹ sẽ chủ yếu từ các ngân hàng và các nguồn khác trong hệ thống tài chính của Trung Quốc như công ty xử lý giao dịch, dù một số quỹ của nhà nước có thể cũng sẽ đóng góp.
Tổng cộng 64,6 tỷ NDT (9,7 tỷ USD) đã được huy động từ các ngân hàng lớn và Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu nâng tổng số vốn lên 100 tỷ USD vào tháng Chín.
Quỹ mới có thể tương đương về quy mô với quỹ cứu trợ ngân hàng trị giá 12.000 tỷ Yen (92 tỷ USD theo thời giá hiện tại) mà Nhật Bản đã thiết lập sau cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990.
Quỹ trên cũng gợi nhớ đến Chương trình giải cứu tài sản có vấn đề trị giá 700 tỷ USD mà Mỹ đã thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 để cứu trợ các ngân hàng và các công ty khác cũng gặp khó khăn.
Các khoản nợ xấu có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho các ngân hàng của Trung Quốc so với những đánh giá ban đầu. Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng thương mại tại Trung Quốc là 1,79% vào cuối tháng Ba.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng con số thực tế còn lớn hơn. Theo nhà kinh tế Shinichi Seki tại Japan Research Institute, tỷ lệ trên là khoảng 8% vào cuối năm 2020, gấp hơn bốn lần so với con số chính thức, dựa trên tính toán từ các khoản thanh toán lãi và các dòng chảy tiền mặt.
Các điều kiện kinh tế khó khăn đang gây thêm rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc. Lãi suất đang tăng tại các thị trường như Mỹ và có thể sắp tăng tại châu Âu góp phần gây thêm các sức ép kinh tế, điều có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đối mặt với những thách thức ở trong nước, trong đó có tác động từ chính sách "Zero COVID" và việc điều chỉnh giá bất động sản.