Áp lực kép từ hai phía cung - cầu, các hãng smartphone gặp khó tại Trung Quốc
Theo TrendForce từ tháng 1 đến tháng 3, các lô hàng smartphone sản xuất trên toàn cầu đã giảm 7% so với một năm trước đó. Công ty phân tích thị trường ước tính 1,33 tỷ chiếc smartphone sẽ được sản xuất trên toàn cầu vào năm 2022, sau khi cắt giảm dự báo hai lần trong năm nay với mức cắt giảm tổng cộng 50 triệu chiếc.
Tương tự, Semiconductor Manufacturing International (SMIC), nhà sản xuất chip bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc dự báo trong năm 2022, các nhà sản xuất smartphone toàn cầu sẽ sản xuất ít hơn 200 triệu chiếc so với dự báo của ngành trước đó. Ông Zhao Haijun, đồng giám đốc điều hành của SMIC, cho biết hầu hết mức giảm đó đến từ các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc. "Xu hướng sụt giảm không có dấu hiệu kết thúc," ông Zhao nói.
Người dân Trung Quốc thắt chặt hầu bao, cầu tiêu dùng đi xuống rõ rệt
Trung Quốc là thị trường quan trọng của Apple cũng như các nhà sản xuất smartphone khác khi tiêu thụ tới 1/5 lượng smartphone toàn cầu. Theo dữ liệu từ Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, các lô hàng smartphone tiêu thụ nước này trong tháng 4 đã giảm 34% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 17,7 triệu chiếc. Tính chung bốn tháng đầu năm, số lượng điện thoại bán ra giảm 30% xuống còn khoảng 86 triệu chiếc.
Vào cuối tháng 4, một trong những ông lớn smartphone hàng đầu thế giới là Apple đã cảnh báo rằng sự bùng phát trở lại của COVID-19 ở Trung Quốc có nguy cơ gây thiệt hại doanh số bán hàng của hãng lên đến 8 tỷ USD trong quý này. “Dịch COVID-19 rất khó dự đoán,” Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết trong một cuộc họp với các nhà phân tích sau khi công ty báo cáo kết quả tài chính quý I.
Trong khi đó, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc Xiaomi báo cáo doanh thu từ smartphone quý I của họ đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Một phần nguyên nhân là do các thách thức liên quan đến logistics, cửa hàng đóng cửa và tình trạng thiếu linh kiện của xuất phát từ chính sách kiểm dịch chặt chẽ tại thị trường này.
Nhu cầu smartphone ở Trung Quốc đang hạ nhiệt nhanh chóng khi sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng; góp phần làm chậm lại đà tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời giáng đòn mạnh vào các nhà sản xuất điện tử toàn cầu.
Người tiêu dùng cho biết họ đang thắt chặt hầu bao, đặc biệt là đối với những mặt hàng đắt tiền. Zhang Rui, một nhân viên công nghệ 43 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết cô đã từ bỏ kế hoạch mua một chiếc smartphone mới trong năm nay do không đủ tiền chi trả. Cô Zhang hiện sử dụng iPhone 12 Pro Max và thường đổi smartphone hàng năm.
Một số người dùng thu nhập thấp có xu hướng chọn mua các dòng điện thoại rẻ trong bối cảnh triển vọng kinh tế nhiều thách thức.
Ming-Chi Kuo, một nhà phân tích chuỗi cung ứng của TF International Securities có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết xu hướng đó bên cạnh tác động đến Apple cũng có thể gây tổn hại đáng kể đến một số hãng sản xuất smartphone bao gồm Xiaomi, Oppo và Vivo.
Ông Kuo ước tính các nhà sản xuất smartphone lớn của Trung Quốc bao gồm Xiaomi, Oppo và Vivo đã cắt giảm khoảng 270 triệu đơn vị smartphone xuất xưởng trong năm nay so với dự báo trước đó.
Sức ép từ phía nguồn cung
Nhu cầu tiêu dùng giảm ở Trung Quốc chỉ là một trong những vấn đề các nhà sản xuất smartphone phải vật lộn trong thời điểm hiện tại, cùng với tình trạng thiếu nguồn cung chip và ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.
Vào cuối tháng 3, sau khi ghi nhận số ca nhiễm gia tăng, Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa kiểm dịch một số thành phố lớn. Foxconn, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới đồng thời là đối tác quan trọng của Apple, đã tạm dừng hoạt động tại Thâm Quyến, một trung tâm sản xuất của Trung Quốc, nơi công ty lắp ráp một số dòng iPhone, iPad và Mac.
Do đó, Foxconn dự báo doanh thu quý II/2022 sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước do các lô hàng thiết bị điện tử tiêu dùng, bao gồm cả smartphone giảm xuống. Phân khúc này đóng góp hơn một nửa doanh thu của công ty.
Tuy nhiên, Foxconn cho hay trên tờ Nikkei rằng đến thời điểm hiện tại, tác động của việc đóng cửa theo chính sách zero-Covid của Trung Quốc đối với công ty hiện đã được hạn chế. Các cơ sở sản xuất chủ chốt của Foxconn ở nước này đã hoạt động bình thường trở lại.
Hồi tháng 4, công ty sản xuất chip bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) là TSMC cho biết tăng trưởng sản lượng sản xuất chip có thể tiếp tục suy yếu, nhất là chip được sử dụng trong thiết bị điện tử tiêu dùng bao gồm cả smartphone.
Các chuyên gia nhận định tình trạng thiếu chip toàn cầu khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn. Lĩnh vực ô tô vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chip, trong khi các nhà sản xuất chip bán dẫn khó có thể nhanh chóng chuyển sản xuất từ loại chip này sang loại chip khác để đáp ứng nhu cầu.
Ông Zhao, CEO SMIC, cho biết nguồn cung chip smartphone được sử dụng để cung cấp năng lượng cho thiết bị, sạc và truy cập mạng Wi-Fi có thể sẽ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức.
Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói với một số đại diện cấp cao của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại nước này rằng Trung Quốc cam kết đạt được sự cân bằng giữa phục hồi nền kinh tế và ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 lặp lại.
Trên khắp Trung Quốc, tác động của các biện pháp kiểm dịch COVID-19 - bao gồm cả việc đóng cửa tại các trung tâm kinh tế tài chính như Thượng Hải - đã lan rộng cả nền kinh tế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần cũng như giảm tiêu dùng.