Trung Quốc triển khai các biện pháp thúc đẩy ngoại thương

Mai Ly 06:59 | 30/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra và các tác động phức tạp từ bên ngoài, Trung Quốc đang nỗ lực ổn định và thúc đẩy hoạt động ngoại thương - vốn là một nền tảng chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra và các tác động phức tạp từ bên ngoài, Trung Quốc đang nỗ lực ổn định và thúc đẩy hoạt động ngoại thương - vốn là một nền tảng chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng yếu trong tháng 4, ở mức chỉ 0,1%, cho thấy các công ty xuất nhập khẩu nước này đang gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ Trung Quốc đã công bố văn bản hướng dẫn vào đầu tuần này, nêu rõ 13 biện pháp với mục tiêu giúp lĩnh vực ngoại thương vượt qua thách thức, trong đó hỗ trợ các doanh nghiệp ngoại thương chủ chốt và tạo điều kiện cho hậu cần hàng hóa thông suốt.

Ngoài việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp ngoại thương, Trung Quốc cũng sẽ tìm cách thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

Khơi thông tắc nghẽn trong hậu cần

Văn bản định hướng mới của chính phủ Trung Quốc đặc biệt ưu tiên đảm bảo ổn định sản xuất và lưu thông hàng hóa trong hoạt động ngoại thương. Các linh kiện, thiết bị quan trọng cũng như hàng hóa phải được vận chuyển thuận lợi.

Zhao Ping, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT), cho biết, so với các động thái trước đây, Chính phủ Trung Quốc lần này chú trọng nhiều hơn vào việc ổn định chuỗi cung ứng công nghiệp trong ngắn hạn.

Việc khơi thông các nút thắt trong vận chuyển và hậu cần là điều tối quan trọng đối với hoạt động ngoại thương hiện nay. Bà Zhao Ping lưu ý rằng các đợt bùng phát COVID-19 gần đây đã ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng ngoại thương, hạn chế hiệu quả sản xuất và lợi nhuận.

Để giải quyết những thách thức trên, các cơ quan hải quan trên toàn quốc đã có các biện pháp phù hợp với từng khu vực cụ thể để hợp lý hóa các thủ tục và thông quan hàng hóa nhanh chóng.

Hình ảnh cảng Ningbo Zhoushan ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc được chụp vào ngày 15/8/2021. (Ảnh: Reuters).  

Ví dụ, tại cảng Hoàng Phố thuộc TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, tất cả các hạn chế hành chính đã được bãi bỏ, với luồng xanh cho phép nông sản và thực phẩm tươi sống được kiểm tra và thông quan nhanh hơn.

Một nhân viên hải quan của Hoàng Phố cho biết, nhờ các điều kiện thuận lợi như vậy, chỉ mất 16 giờ để rau tươi từ các trang trại ở Quảng Đông đến chợ thực phẩm ở Hong Kong (Trung Quốc).

Đối với vận tải đường biển, cơ quan hải quan ở Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang ở phía Đông Trung Quốc, đã đưa ra mô hình khai báo trước khi đến, cho phép các nhà nhập khẩu hoàn thành việc khai báo, xác minh giấy phép và nộp thuế trước khi hàng hóa của họ vào cảng. Điều này làm giảm thời gian lưu kho của hàng hóa tại cảng xuống còn dưới 20 phút.

Các biện pháp quyết liệt

Bên cạnh các biện pháp liên quan đến hậu cần, văn bản hướng dẫn mới của chính phủ cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới cho ngoại thương, cụ thể là thương mại điện tử xuyên biên giới.

Văn bản hướng dẫn này khuyến khích việc cấp phép cho các công ty đủ tiêu chuẩn trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới là "doanh nghiệp công nghệ cao hoặc công nghệ mới". Như vậy, chính phủ có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới giống như các lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới.

Bà Zhao nhận xét: “Đổi mới là sự lựa chọn duy nhất cho các công ty ngoại thương để đối mặt với các thách thức và tạo ra đột phá”, đồng thời chuyên gia này lưu ý rằng thương mại điện tử xuyên biên giới là minh chứng cho sự phát triển dựa trên sự đổi mới của hoạt động ngoại thương.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh trên toàn cầu, văn bản hướng dẫn mới của chính phủ nêu chi tiết các biện pháp để bảo vệ họ khỏi rủi ro tốt hơn, kêu gọi các tổ chức tài chính mở rộng phạm vi bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cho các nhà xuất khẩu nhỏ và siêu nhỏ.

Bai Ming, một nhà nghiên cứu của Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc trực thuộc Bộ Thương mại, đã so sánh các chính sách bảo hiểm như vậy giống như một "người hộ tống" cho các doanh nghiệp đi ra thị trường nước ngoài.

Chuyên gia này nói: “Cần nỗ lực giảm chi phí bảo hiểm cho các công ty nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời cải thiện các dịch vụ giải quyết khiếu nại”.

Các tổ chức tài chính cũng đang mở rộng khả năng tiếp cận vốn của các công ty trong lĩnh vực ngoại thương nhằm tăng cường niềm tin của thị trường. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank of China) mới đây đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 3 tỷ NDT (khoảng 445 triệu USD) có thời hạn một năm nhằm huy động vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương.