Trung Quốc sau khi 'mở khóa' Thượng Hải: Phục hồi không phải chuyện sớm chiều
Quá trình phục hồi kinh tế có thể mất nhiều thời gian
Năm 2020, khi đại dịch lần đầu tiên bùng phát, kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ trong quý đầu tiên, nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi để tăng trưởng trong quý kế tiếp.
Năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục phải đối mặt với đợt bùng phát biến thể Omicron dễ lây lan hơn. Tốc độ tăng trưởng tổng thể đang yếu hơn, trong khi đó, Chính phủ hạn chế quy mô gói kích thích kinh tế so với 2 năm về trước.
Đợt bùng phát COVID-19 mới nhất bắt đầu vào tháng 3/2022 với tâm chấn là Thượng Hải. Khoảng một tuần trước, thành phố này đã công bố kế hoạch chấm dứt tình trạng đóng cửa để bình thường hóa nền kinh tế trở lại vào tháng 6.
“Trung Quốc đã nhìn thấy tia hy vọng”, ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley nhận định. “Nhưng chúng tôi nghĩ rằng con đường phục hồi có thể sẽ rất chậm và gập ghềnh.”
Dù đã có kế hoạch nới lỏng, cuối tuần qua, một quận trung tâm thành phố Thượng Hải đã cấm người dân rời khỏi khu chung cư để tiến hành xét nghiệm COVID-19 hàng loạt. Nhiều khu vực của thủ đô Bắc Kinh yêu cầu người dân làm việc tại nhà khi số ca bệnh hàng ngày tại địa phương tăng lên, đạt 83 trường hợp vào ngày 22/5, mức cao nhất trong đợt bùng phát mới nhất của thành phố.
Nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen có nhà máy nằm ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm nay, cho biết các địa điểm sản xuất ở Trung Quốc của họ đã hoạt động trở lại, nhưng các biện pháp kiểm soát dịch đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng.
“Nhiều khu vực và thành phố đã thắt chặt các hạn chế khi xuất hiện các ca nhiễm đầu tiên tại địa phương", chuyên gia Meng Lei tại UBS Securities cho biết. “Các khảo sát của chúng tôi tại Thượng Hải, Cát Lâm, Tây An và Bắc Kinh cho thấy sự gián đoạn về logictics và chuỗi cung ứng là những trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến quá trình tái sản xuất. Do đó, việc phục hồi sản xuất có thể diễn ra dần dần chứ không thể chỉ trong một sớm một chiều”.
Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm duy trì lập trường zero-COVID bằng cách thực hiện hàng loạt chính sách hạn chế nghiêm ngặt.
Bà Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc, cho biết tác động đáng kể nhất của đợt tái bùng phát COVID-19 mới đây là làm gián đoạn lịch trình hoạch định chính sách thông thường của Chính phủ.
Ngay sau khi chính phủ Bắc Kinh công bố kế hoạch kinh tế năm của mình tại cuộc họp Quốc hội vào tháng 3, làn sóng dịch đã bùng phát, các chính sách phong tỏa được triển khai khiến kế hoạch kinh tế bị đảo lộn.
Bà Wang nhận xét: “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tiêu thụ có thể kiểm soát được, nhưng một khi chu trình chính sách bị gián đoạn, rất khó để đưa nó trở lại lộ trình ban đầu đầu một cách nhanh chóng”.
Biện pháp kích thích kinh tế không đáng kể và nhiều dự báo tăng trưởng trái chiều
Vào cuộc họp đầu tháng 3, Bắc Kinh đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 5,5%. Con số cao hơn khoảng 1 điểm phần trăm trở lên so với dự báo của nhiều ngân hàng đầu tư. Cho đến nay, các tổ chức này đã nhiều lần hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19 làm ngưng trệ nhiều hoạt động của nền kinh tế.
Bà Wang duy trì mức dự báo tương đối cao là 5,1% cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 vì bà kỳ vọng Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế và giảm bớt các kiểm soát chặt chẽ vào cuối mùa hè. Nhưng cho đến nay, gần hai tháng sau khi Thượng Hải đóng cửa, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa có những động thái thay đổi nào đáng kể.
Trong khi đó, ông Robin Xing, nhà kinh tế thuộc Morgan Stanley cho biết, dù xét về lãi suất hay chính sách tài khóa, mức độ kích thích của chính phủ vẫn chỉ bằng một nửa so với thời kỳ cao điểm của đại dịch vào năm 2020. Ngoại trừ tỷ lệ thất nghiệp, hầu hết các chỉ số kinh tế đều không thấp hơn so với đầu năm 2020.
Trong số các biện pháp khác, chính phủ trung ương đã công bố cắt giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp nhỏ, bắt đầu hạ lãi suất thế chấp. Nhưng tác động của các biện pháp này, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, có thể phải mất nhiều thời gian mới nhìn thấy kết quả.
Ông Xing lưu ý rằng ngay cả khi không có COVID-19, việc nới lỏng các chính sách trên thị trường bất động sản sẽ mất từ 3 đến 6 tháng để thực sự ảnh hưởng đến hoạt động mua nhà.
Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, có một kịch bản khác sáng sủa hơn là tăng trưởng Trung Quốc sẽ nhanh hơn so với dự báo.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, nhận định: “Kinh nghiệm trong hai năm qua cho thấy, một cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra có xu hướng kết thúc nhanh chóng, đặc biệt là khi chính sách được triển khai nhanh chóng và mạnh mẽ.”
Đối với phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, các hoạt động vẫn tiếp tục duy trì, ngay cả khi có các yêu cầu tăng cường xét nghiệm COVID-19. Khoảng 80% hoạt động sản xuất ở miền nam Trung Quốc đã trở lại bình thường.
Ông Klaus Zenkel, chủ tịch phân hội miền nam Trung Quốc của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết, mặc dù thành phố lớn Thâm Quyến đã đóng cửa gần như tất cả các cơ sở kinh doanh trong khoảng một tuần vào tháng 3, nhưng việc vận chuyển sản phẩm bằng xe tải trong tỉnh là bình thường vì nơi đây có số ca nhiễm thấp trong khu vực.
Phía Nam tỉnh Quảng Đông -một trung tâm sản xuất của Trung Quốc - vẫn đang khá bận rộn. Các doanh nghiệp đang giữ cho kho hàng đầy hơn trước để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt kéo dài. Tuy nhiên ông Zenkel vẫn lưu ý rằng tất cả phân tích trên cũng chỉ là dự báo.