Trước giờ Quốc hội biểu quyết phê chuẩn EVFTA: DN quyết tâm đổi mới để trụ vững
Không để bị… “nuốt chửng”
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đều xác định rất rõ không chỉ là thời cơ mà có rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA.
Đó là thách thức về các rào cản kỹ thuật; sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU; thách thức trước các biện pháp phòng vệ thương mại; thách thức từ cạnh tranh nguồn lao động; doanh nghiệp thiếu thông tin; các doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU; DNNVV thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh; các quy định về tỉ lệ nội địa hóa; chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với hàng hoá các doanh nghiệp EU ngay trên sân nhà…
EVFTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt vào thị trường quy mô GDP 18.000 tỷ USD nhưng cũng đồng thời là nguy cơ bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Cần Thơ, bà Nguyễn Mỹ Thuận cho biết nhiều doanh nghiệp lo lắng COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới sự chuyển dịch đầu tư, đa dạng hoá chuỗi cung ứng từ các tập đoàn đa quốc gia nhưng xu hướng này cũng có thể dẫn tới điểm bất lợi, là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị "nuốt chửng" trước sự đổ bộ ồ ạt của các công ty nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là: Khi doanh nghiệp châu Âu vào, có xảy ra hiện tượng một số ngành công nghiệp chủ yếu của Việt Nam bị các công ty nước ngoài thâu tóm không?
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng EVFTA là sân chơi thương mại giữa Việt Nam và thị trường quy mô 18.000 tỷ USD nên không thể tránh khỏi sẽ có người thắng, người thua, bởi hội nhập là cuộc chơi bình đẳng.
“Doanh nghiệp phải thay đổi, tìm hiểu kỹ nội dung hiệp định và thích ứng kịp thời mới có thể tồn tại được. Sự hỗ trợ chính sách từ phía các bộ, ngành là chất xúc tác. Ngoài tinh thần cầu thị, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy thì mới thành công được. Bởi vì, sức ép mua bán sáp nhập sẽ giúp doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên”, ông Thân nói.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương cũng xác định rất rõ yêu cầu nắm bắt cơ hội, nghiên cứu tìm hiểu thị trường châu Âu để cộng đồng doanh nghiệp tận dụng được thời cơ từ EVFTA.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh không chỉ đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh chủ động tìm hiểu cơ hội đầu tư, cùng với các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế chính sách để tận dụng cơ hội Hiệp định mang lại mà còn khẳng định Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành đồng hành cùng doanh nghiệp, hoàn thiện kế hoạch triển khai Hiệp định EVFTA.
Sở KH&ĐT Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết 02 của Thủ tướng Chính phủ, lồng ghép triển khai Hiệp định EVFTA, đưa hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu vào quy hoạch tỉnh.
Nhanh chóng đưa ra tiêu chí cụ thể về ưu đãi của EVFTA
Đề xuất giải pháp với Chính phủ, đại diện cho Hiệp hội DNNVV đưa ra 3 vấn đề trọng tâm. Đó là đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách, để các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý, thực thi một cách hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Trước việc đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông báo đơn vị này đang phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng rà soát, đánh giá và khuyến nghị 10 mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường EU (tập trung vào 3 nhóm ngành hàng chính là nông sản thực phẩm, công nghiệp chế biến, điện tử), ông Thân đề xuất Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành nhanh chóng đưa ra bộ tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chí cụ thể về ưu đãi của EVFTA; xây dựng cổng thông tin dữ liệu doanh nghiệp, "chợ" trên nền tảng số hoá.
“Thay vì tổ chức các hội chợ triển lãm tốn kém, doanh nghiệp hoàn toàn có thể "đưa lên chợ online sản phẩm của mình, quảng bá với đối tác", ông Thân khuyến nghị.
Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA. Quốc hội Việt Nam sẽ biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào ngày đầu tiên của đợt 2 của Kỳ họp thứ 9, ngày 8/6/2020. Dự kiến phiên họp sẽ có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước Liên minh châu Âu tại Hà Nội.
Với Hiệp định này, Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới và là quốc gia thứ hai trong ASEAN có hiệp định thương mại tự do với EU - cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới với quy mô GDP lên gần 18.300 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 40% ngoại thương toàn cầu.
Theo nội dung cam kết, sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Đối với doanh nghiệp, trong đó có DNNVV, ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU (thời điểm hiện nay, EU mới chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 42% dòng thuế của hàng hóa Việt Nam vào EU).