TS. Cấn Văn Lực: Để ngân hàng bán vàng trực tiếp, giá sẽ lập tức giảm nhưng chỉ là biện pháp trước mắt
Từ ngày 3/6, 4 ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank sẽ bán vàng trực tiếp tới người dân là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Quang Dũng mới tiết lộ.
Theo Phó Thống đốc cũng, nguồn cung vàng của các ngân hàng này là từ NHNN với mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới. Với mạng lưới rộng khắp cả nước, các ngân hàng nhóm Big4 này đã chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.
Đây được cho là một động thái mạnh tay nhằm bình ổn thị trường vàng, bởi biện pháp đấu thầu không mang lại nhiều kết quả mà thậm chí còn khiến giá vàng tăng lên.
Bán vàng qua Big4, giá sẽ phụ thuộc vào NHNN
Đánh giá về việc bán vàng trực tiếp đến người dân thông qua các ngân hàng Big4, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho hay đây là một biện pháp tăng nguồn cung.
Giải pháp này được coi như "chỉ định thầu" và có thể thay thế cho đấu thầu vàng miếng vừa qua. Tất nhiên, NHNN sẽ xác định mức giá hợp lý dựa trên giá vàng thế giới. Điều quan trọng là bán vàng thông qua các ngân hàng Big4 thì giá bán phần lớn sẽ phụ thuộc vào giá mà NHNN đưa ra vì nếu cộng với biên lợi nhuận của các ngân hàng cũng không chênh quá 1 triệu đồng/lượng.
Đặc biệt, việc thông báo cung ứng cho các ngân hàng sẽ hạn chế khả năng bị làm giá, thao túng giá vàng vì theo NHNN người dân "cần mua bao nhiêu, có bấy nhiêu".
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cũng đã khẳng định với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững.
Liên quan đến việc dừng đấu thầu vàng miếng, tại phiên họp Quốc hội chiều 29/5, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thẳng thắn thừa nhận dừng đấu thầu vàng vì không đạt được mục tiêu bình ổn thị trường.
"Qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không giảm như kỳ vọng, nên NHNN dừng phương thức này để tìm nguyên nhân và đưa ra phương án mới thay thế", Thống đốc nói và cho biết mục tiêu của phương án mới vẫn là giảm mức chênh giữa trong nước và quốc tế.
Phương án mới được cho là sẽ hạn chế được vấn đề thao túng giá vàng khi các Ngân hàng chủ yếu sẽ "thay mặt" NHNN bán trực tiếp tới tay người dân chứ không phải mệnh ai nấy quyết định giá như việc đấu thầu vàng và để cho các doanh nghiệp kinh doanh.
Xử lý hành vi thao túng giá
Cùng với biện pháp để các ngân hàng phân phối vàng từ NHNN, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cũng cho biết NHNN đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ để tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
"Tinh thần chỉ đạo là sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có)", ông Dũng khẳng định.
Xử lý các hành vi thao túng giá để bình ổn thị trường vàng là giải pháp đã được các chuyên gia nhắc đến từ trước khi giá vàng có dấu hiệu nhảy múa. Nhìn lại thời gian qua, giá vàng tăng bất chấp quy luật, không phải do sóng vàng thế giới, cũng không phải do nhu cầu mua vàng mà chênh lệch giá vàng vẫn tăng.
Vì vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, việc bán vàng qua nhóm ngân hàng Big 4 chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài cầnđảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá trên thị trường vàng thì mới có thể xử lý được câu chuyện chênh lệch giá.
Thứ hai là giải pháp căn cơ, lâu dài hơn là phải tăng nguồn cung vàng bằng việc cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu.
Thứ ba, là phải bỏ đi câu chuyện nhập khẩu, từ độc quyền vàng miếng, độc quyền nhập khẩu, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC. Và cuối cùng là sớm sửa Nghị định 24 do các quy định đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại và sứ mệnh chống vàng hoá đã được hoàn thành.
Góp ý vào việc quản lý thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng,về lâu dài Việt Nam cần có những chính sách cần thiết để thị trường vàng hoạt động tự do nhất có thể nhằm có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Các chính sách nên theo triết lý nắn dòng để thị trường vàng hoạt động lành mạnh thay vì sử dụng các công cụ hành chính tạo ra những bóp méo. "Cần trả lại chức năng phân phối cho thị trường và nhà nước chỉ làm vai trò 'cảnh sát' để đảm bảo luật chơi thì mọi thứ sẽ ổn hơn", ông nói.
Đặc biệt, trong các chính sách đối với vàng, việc sử dụng các công cụ thuế, nhất là thuế nhập khẩu cần hết sức lưu ý vì vàng là mặt hàng rất dễ vận chuyển và nhập lậu. Nếu áp dụng những mức thuế không hợp lý sẽ gặp phải thách thức như đang xảy ra với Ấn Độ.