TS Lưu Bình Nhưỡng: Đại dịch khiến chúng ta chịu một "cú sốc" lớn nhưng không rơi vào hỗn loạn
"Chúng ta vẫn đứng vững giữa đại dịch"
Tại tọa đàm, nhìn nhận về vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận, tích cực chủ động vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, TS Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện UBTVQH, Đại biểu Quốc hội khóa XIV nhấn mạnh: Phải khẳng định nếu không có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, không có sự tuân thủ một các nghiêm túc và đặc biệt là sự hợp tác, đồng thuận của người dân trong thời gian vừa qua thì có lẽ công cuộc phòng chống dịch bệnh và duy trì sinh hoạt xã hội và sản xuất chắc chắn sẽ không đạt được kết quả như hiện nay.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, cả nước không chỉ đạt mục tiêu kép mà rõ ràng trong thời qua đã hướng đến đa mục tiêu. Trong đó, mảng thứ nhất là phòng chống dịch bệnh, thứ hai là là duy trì toàn bộ những vấn đề sinh hoạt của xã hội, bao gồm: Duy trì hệ thống sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất…
“Có thể ở địa phương này, địa phương khác hoặc lĩnh vực này lĩnh vực khác còn có những khó khăn nhưng phải nói Chính phủ, các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp vẫn duy trì được các hoạt động căn bản, chúng ta chỉ chịu dừng lại một số hoạt động mà ở đó chúng ta không có điều kiện hoặc dịch bệnh tàn phá nặng nề”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đánh giá rất cao trong đó là việc tuyên truyền để người dân hiểu về công tác phòng, chống dịch. Ông Nhưỡng lấy ví dụ như câu chuyện khi điểm đầu tiên khi Hà Nội vướng vào bệnh nhân số 17, lúc này người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ các loại lương thực nhưng trong đợt dịch thứ 4 này thì câu chuyện đó không còn tồn tại nữa.
“Nhưng lúc đó lại vướng phải câu chuyện hết sức bi đát là sự thiếu thốn của người dân do một quá trình phòng chống dịch lâu dài. Lúc đó, chúng ta đã tăng cường an sinh xã hội, đặc biệt là huy động sự trợ giúp của người dân, cho nên đảm bảo một phần rất lớn sinh hoạt của người dân để người dân trụ vững”, Phó Phó Trưởng ban Dân nguyện nêu.
Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, trong chống dịch thời gian qua có rất nhiều vấn đề chưa dự báo được trước tình hình, thậm chí còn lúng túng trong vấn đề phân bổ các nguồn lực. Trong đó có nguồn lực phục vụ cho phòng, chống dịch cũng như những nguồn lực phục vụ cho đời sống của người dân. “Chỗ này chúng ta phải thừa nhận. Trung ương có chỉ đạo nhưng các địa phương cũng không dự liệu hết được, từ trước đó, công tác y tế cũng chưa dự phòng, dữ liệu được dịch bệnh càn quét quá nặng nề như đợt này, do đó là bị động”, ông Nhưỡng đưa quan điểm.
Tuy nhiên, theo TS Lưu Bình Nhưỡng, trong công tác phòng chống dịch, các địa phương cũng có những sáng tạo, Trung ương đã có chỉ đạo quyết liệt, đã có các Chỉ thị 15, 16 và 19. Chỉ thị 19 trong đó đề cập cả vấn đề thi đua, cả vấn đề phòng chống dịch, thắt chặt tất cả các vấn đề nhưng đồng thời vẫn tiếp tục phòng chống dịch. “Đặc biệt chúng ta có hai Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 105 là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và Nghị quyết 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Hai nghị quyết này vô cùng quý giá bên cạnh nhiều gói chính sách để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Trong chiến lược vaccine, ông TS Lưu Bình Nhưỡng cho biết Chính phủ đã rất quan tâm đến vấn đề nghiên cứu sản xuất vaccine, ngoại giao vaccine. Từ nguyên thủ quốc gia cho đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp bất kỳ phái đoàn nào, quan hệ bất kỳ quốc gia nào thì cũng đặt vấn đề vaccine và vaccine, công nghệ và công nghệ.
Đặc biệt, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Chúng ta đã chịu đựng một cú sốc rất lớn nhưng không chấp nhận câu chuyện là đóng băng toàn bộ xã hội. Nếu chúng ta để mạch máu giao thông đứt thì cơ thể sẽ rơi vào tình trạng hôn mê và sẽ chết. Nhưng rất may đất nước ta không rơi vào tình trạng hôn mê, không bị rơi vào tình trạng hỗn loạn, điều này là rất tốt đối với khía cạnh quản lý xã hội”.
Qua đợt dịch lần này, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho biết, bản thân ông rất trân trọng người dân có những đóng góp to lớn không chỉ về công sức mà còn đóng góp sự đồng thuận. Cùng với đó là vai trò của các nhà thiện nguyện, mạnh thường quân cũng vô cùng to lớn.
“Sức mạnh to lớn của dân tộc đã giúp chúng ta giữ được trạng thái như bây giờ, nếu không có trạng thái này thì Chính phủ cũng chưa có điều kiện ban hành Nghị quyết 128 để chúng ta dần sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Giữ trạng thái ổn định thì mới chuyển trạng thái được”, ông Nhưỡng nói.
Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới
Tại Tọa đàm, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia đều khẳng định sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát; số người mắc và số người tử vong do dịch bệnh những ngày qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội đang được khôi phục và ngày càng sôi động hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo dự báo, vẫn có thể có những chủng virus mới và sẽ còn phát sinh những đợt dịch tiếp theo. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch từ cố gắng dập tắt dứt điểm ca bệnh sang “chung sống an toàn”.
Việt Nam với những thành tựu chống dịch trong 4 đợt dịch vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4, đã được các nước trên thế giới cùng nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, đứng trước cách tiếp cận dịch bệnh với quan điểm mới, cũng như điều kiện tiếp cận vaccine của nước ta, thì chúng ta cần phải đồng thời triển khai các hoạt động, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện bằng được mục tiêu kép.
Để kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các biện pháp phòng chống dịch chúng ta cần phải điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp hơn với thực tiễn.
Cùng với việc tăng dần tỉ lệ bao phủ vaccine, cần phát hiện sớm các ca bệnh, trường hợp nhiễm, không để sót các ca bệnh, tiến hành khoanh vùng, cách ly ở diện tích nhỏ nhất có thể; hạn chế các biện pháp phong tỏa kéo dài trên diện rộng, triển khai quyết liệt điều trị cho các ca lây nhiễm, điều trị từ sớm từ xa, giảm tỉ lệ tử vong. Bên cạnh đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, hàng hóa, du lịch, giáo dục đào tạo… Qua đó, từng bước đưa ra giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp, đảm bảo an toàn.
Từ những quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, ở thời điểm này, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh và công tác phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.
GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam cũng cho rằng: Bản thân Nghị quyết 128 ra đời kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình; hướng dẫn cách thức bảo đảm tính an toàn linh hoạt phòng chống dịch hiệu quả. Đáng chú ý, Nghị quyết này thay thế cho các Chỉ thị trước đó là 15,16, 19. Đây là một dấu mốc cho việc cả nước chúng ta chuyển qua giai đoạn bình thường mới. Tất nhiên, thực tế chắc chắn vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm mới (F0), vẫn có những điểm đỏ, vùng đỏ nên chúng ta tuyệt đối không chủ quan… Gần đây, Thanh Hoá, Phú Thọ vẫn xuất hiện ca bệnh mới, không chủ quan nhưng không hoảng sợ, lo lắng quá mức.
Nghị quyết có xây dựng dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất, số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần; thứ hai, số người đã tiêm; thứ ba là khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung áp dụng cho toàn quốc.