Từ đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng hơn 1 tỷ USD, giá trị bằng 2 năm gộp lại

11:35 | 24/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã công bố những thông tin mới nhất liên quan đến chỉ số bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2021.

Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng đã lên đến 23.570 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Đây được coi là con số kỷ lục từ trước đến nay, và bằng cả 2 năm 2016 và 2020 gộp lại. 

Trong tuần, từ 17-23/5, trên toàn thị trường thì khối ngoại đã bán ròng 13,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 201,5 tỉ đồng. Riêng tại sàn HoSE đã chứng kiến khối ngoại trải qua phiên bán ròng thứ 9 liên tiếp, giá trị giảm 45% so với phiên trước đó.

Cụ thể, khối này đã bán khoảng 306 tỷ đồng, quy ra khối lượng 11,6 triệu cổ phiếu. Tổng cộng cả 9 phiên tại sàn HoSE thì khối ngoại đã chuyển nhượng 6.800 tỷ đồng. 

Theo thống kê, mã chứng khoán bị khối ngoại bán đi nhiều nhất năm nay là VNM của Vinamilk, với giá trị lên tới 6.500 tỉ đồng. Lý do là bởi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng cạnh tranh cũng như tình hình kinh doanh chững lại của doanh nghiệp này trong vài năm gần đây. Hiện mã này cũng đã giảm khoảng 17% so với thời điểm đầu năm. 

Xếp tiếp theo là mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát, bất chấp mã này đang tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ giá thép tăng cao. Khối ngoại đã bán ròng số cổ phiếu trị giá 5.937 tỉ đồng của Hòa Phát, nguyên nhân chủ yếu là từ hoạt động thoái vốn của quỹ ngoại Penm III. 

Từ đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng hơn 1 tỷ USD, giá trị bằng 2 năm gộp lại - ảnh 1

Khối ngoại bán đi nhiều, nhưng lực cầu từ nhóm đầu tư nội đã cân bằng lại

Một số mã cổ phiếu đáng chú ý cũng bị bán ròng mạnh như: CTG (-5.422 tỷ đồng), VPB (-2.775 tỷ đồng), VCB (-1.675 tỷ đồng), BID (-1.324 tỷ đồng). Trong số 10 mã bị chuyển nhượng mạnh đất từ đầu năm 2021 còn có những cái tên như: POW (-1.654 tỷ đồng), KDH (-1.441 tỷ đồng), GAS (-1.086 tỷ đồng), SSI (-929 tỷ đồng).

Theo chiều ngược lại, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bơm hơn 1 tỷ USD để cân bằng lực bán ra của khối ngoại. Cùng với những kết quả kinh có lợi của doanh nghiệp trong nước mà chỉ số VN-Index tiếp tục đà khởi sắc của những tháng trước đó và tiến tới vùng đỉnh mới tại 1.300 điểm.

Hiện tại, nhóm đầu tư cá nhân trong khối nội đang trở thành nhóm đầu tư chiếm ưu thế, trong nhiều tháng nay, thị trường đã ghi nhận hơn 80% giá trị giao dịch xuất phát từ nhóm này. 

Trong lịch sử, năm 2016 và 2020 là hai năm mà khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong một thập kỷ. Vào thời điểm 2016, hành động của các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến thị trường Việt Nam bị biến động mạnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, lực mua từ các nhà đầu tư trong nước đã cân bằng hoàn toàn với lượng cổ phiếu đã bị bán ra. 

Chính vì những diễn biến vừa qua nên các chuyên gia cho rằng khối ngoại đã không còn quá nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường. Do đó, nhà đầu tư không cần quá quan tâm đến động thái mua bán của nhóm này. 

Tại đại hội cổ đông SSI vừa được tổ chức hôm 22/5 vừa qua, chủ tịch Nguyễn Duy Hưng của doanh nghiệp chứng khoán này đã nhận định: "một điều rất mừng là dòng tiền nước ngoài hiện hay không còn đóng góp quá nhiều đến VN-Index như ngày xưa. Mặc dù người ta bán ròng nhưng VN-Index tăng trưởng và thanh khoản đang rất cao".

Giải thích lý do bán ròng của khối ngoại, ông Hưng cho rằng nếu các quỹ ngoại đạt được tiêu chí về lợi nhuận hay thời hạn quỹ, thì sẽ rút đi. 

H.S

Xem thêm: Chứng khoán thăng hoa, HNX và HoSE lãi đậm