Tư duy chậm trễ, hành động không kịp thời sẽ cản trở nông nghiệp phát triển

22:27 | 27/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào sáng 27/11.

Trong những năm qua, Nghị quyết đã được các cấp uỷ và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hoá, hiện đạo hoá nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các nước. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng cao.

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan một số mục tiêu Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt. Nhiều tồn tại, yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả, và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tư duy chậm trễ, hành động không kịp thời sẽ cản trở nông nghiệp phát triển - ảnh 1
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết.
Đánh giá về những thách thức mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp, số dân làm nông còn quá cao. Cả nước có 48% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp một phần GDP rất nhỏ. Năng suất lao động lĩnh vực này còn thấp, việc tăng năng suất còn chậm.
Trong khi đó, tỉ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo thấp, năng suất thấp. Tư duy nông dân chậm đổi mới không được đào tạo, tác phong công nghiệp, hiểu biết thị trường trước khi đặt hạt giống vẫn chưa nhiều. Nhất là vấn đề năng suất lao động, đây là vấn đề rất đáng lo ngại trong phát triển nông nghiệp Việt Nam
Ngành nông nghiệp cũng chỉ thu hút một lượng vốn khiêm tốn chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1% trong cả nền kinh tế, chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi, lĩnh vực này huy động vốn, tiếp cận vốn, các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn còn cao.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Theo đó, 90% hàng nông sản xuất khẩu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại cao.
Tư duy chậm trễ, hành động không kịp thời sẽ cản trở nông nghiệp phát triển - ảnh 2
 10 năm qua nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng, sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng.
"Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến còn hạn chế, quy mô nhỏ, tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch cao. Bên cạnh đó, còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất bảo quản còn quá mức", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra.
Mặc dù Luật Đất đai 2013 có nhiều tác động tích cực, nhưng chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp manh mún quy mô nhỏ, khó cơ giới hoá, hiện đại hoá và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn. Quy mô trang trại của Việt Nam nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, hơn 10 mấy triệu mảnh ruộng khác nhau, khó có thể sản xuất lớn.
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Chính trị, các bộ ngành Trung ương xem xét vấn đề sửa Luật Đất đai 2013 một cách phù hợp.
Thủ tướng nhấn mạnh thế giới đang chuyển mình, châu Á cũng đang cạnh tranh từ bán buôn đến bán lẻ. Việt Nam cần sớm khắc phục các hạn chế yếu kém, áp dụng thành tựu của kỷ nguyên số, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp, trong đó có các công nghệ như thanh toán điện tử, Internet vạn vật (IoT), viễn thám, máy bay không người lái…
Ông đề nghị cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tháo gỡ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường đầu tư vào nông nghiệp bởi không có doanh nghiệp, hợp tác xã thì khó thành công.
Phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, hội nhập sâu rộng của nông nghiệp Việt Nam.
"Đồng thời, bên cạnh việc khắc phục được nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ... trong bối cảnh mới, hội nhập mạnh mẽ, cơ hội và thách thức đan xen, nếu tư duy chậm trễ, không hành động kịp thời sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.