Từ ngày 1/5 phí qua hầm Hải Vân tăng kịch khung
Theo đó, mức phí qua hầm Hải Vân sẽ tăng thêm 30.000-70.000 đồng/lượt/nhóm phương tiện so với mức phí hiện nay.
Cụ thể xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt chở khách công cộng tăng vé lượt từ 70.000 đồng lên 110.000 đồng, vé tháng từ 2,1 triệu đồng lên 3,3 triệu đồng, vé quý từ 5,67 triệu đồng lên 8,91 triệu đồng.
Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn tăng từ 90.000 đồng lên 160.000 đồng/lượt, từ 2,7 triệu đồng lên 4,8 triệu đồng/tháng, từ 7,29 triệu đồng lên 12,96 triệu đồng/quý.
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng từ 140.000 đồng lên 200.000 đồng/lượt, từ 4,2 triệu đồng lên 6 triệu đồng/tháng, từ 11,34 triệu đồng lên 16,2 triệu đồng/quý.
Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở container 20 feet tăng từ 180.000 đồng lên 210.000 đồng/lượt, từ 5,4 triệu đồng lên 6,3 triệu đồng/tháng, từ 14,58 triệu đồng lên 17,01 triệu đồng/quý.
Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet tăng từ 240.000 đồng lên 280.000 đồng/lượt, từ 7,2 triệu đồng lên 8,4 triệu đồng/tháng, từ 19,44 triệu đồng lên 22,680 triệu đồng/quý.
Mức tăng trên là kịch khung giá tối đa cho dịch vụ hầm đường bộ được quy định trong thông tư số 60/2018/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.
Ngày 16-4, Bộ GTVT đã có văn bản đồng ý việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí để có nguồn kinh phí duy trì công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 mới đưa vào khai thác.
Theo hợp đồng, dự án hầm Hải Vân 2 thu phí hơn 27 năm với điều kiện có phần vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án hầm Đèo Cả 1.180 tỉ đồng, nhà đầu tư được thu phí đường La Sơn - Túy Loan.
Nhưng từ 2018 đến nay nhà đầu tư và Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan liên quan vẫn chưa được giải quyết.
Nhà đầu tư tự huy động vốn để bù phần cho khoản 1.180 tỉ đồng nhà nước chưa hỗ trợ nhằm hoàn thành hầm Hải Vân 2, đến nay còn nợ địa phương tiền giải phóng mặt bằng và nợ nhà thầu xây lắp. Bên cạnh đó, Luật quản lý, sử dụng tài sản công ra đời, không cho phép nhà đầu tư thu phí trên đường La Sơn - Túy Loan.
Xe lưu thông trong hầm Hải Vân
Theo đại diện của Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết: “Công ty phải chịu các chi phí phát sinh từ việc thiếu hụt nguồn 1.180 tỉ đồng vốn nhà nước hỗ trợ và chưa rõ có được hỗ trợ từ nguồn khác nếu không thu phí đường La Sơn - Túy Loan hay không. Nếu thời gian tới đường La Sơn - Túy Loan được khai thác mà không thu phí thì hầm Hải Vân sẽ bị sụt giảm doanh thu khi nhiều xe sẽ chuyển sang đi đường này”.
Cũng theo vị đại diện này thì việc đưa hầm Hải Vân 2 vào khai thác cần chi phí quản lý vận hành, trả lãi vay ngân hàng để đầu tư hầm. Theo hợp đồng dự án, khi nhà đầu tư hoàn thành hầm Hải Vân 2 thì sẽ điều chỉnh mức giá trạm Bắc Hải Vân tạo nguồn thu cho hầm Hải Vân 2. Nhà đầu tư đã thông báo việc tăng giá tới Bộ Giao thông vận tải và bộ đồng ý với phương án của nhà đầu tư.
Với mức giá mới, người dân không muốn đi qua hầm Hải Vân thì có thể chọn đi đường đèo không mất phí.
Mai Hương
Xem thêm: Bộ GTVT đề xuất giảm 70% phí đường bộ cho doanh nghiệp vận tải đến hết năm 2021