Từ tháng 2/2021, lao động nữ được hưởng quyền lợi gì khi đi làm trong ngày 'đèn đỏ'

16:43 | 18/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một trong những quy định đáng chú ý của Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ được nhận thêm lương và hưởng quyền lợi khi vẫn làm việc trong điều kiện sức khỏe không đảm bảo. Cụ thể như thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động, quan hệ lao động.
 

Lao động nữ đi làm trong ngày hành kinh

 
Cụ thể, tại Điều 80, Chương IX, Chính phủ quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời gian làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
 
Thời gian lao động nữ nghỉ trong giai đoạn hành kinh sẽ được thỏa thuận với người sử dụng lao động, phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ, nhưng tối thiểu là 3 ngày mỗi tháng. Thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.
 
Lao động nữ đi làm trong ngày hành kinh được quyền lợi gì?
 
Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì sẽ được thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu.
 
Nghị định cũng nêu rõ trong trường hợp không có nhu cầu nghỉ 30 phút trong ngày "đèn đỏ", ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, lao động nữ sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm trong thời gian được nghỉ. Thời gian làm việc này phải được người sử dụng lao động đồng ý và không tính vào giờ làm thêm.
 
Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ cũng có quyền được nghỉ 60 phút mỗi ngày trong khi làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa và nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ, nữ lao động vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
 
Trường hợp có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên, người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và theo nhu cầu.
 
Nếu không có nhu cầu nghỉ và được chủ sử dụng lao động đồng ý, người lao động sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm trong thời gian nghỉ.
 

Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi

 
Nghị định cũng quy định về việc nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Cụ thể, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
 
Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
 
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
 
Nghị định cũng khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
 
Trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... có từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
 
Người sử dụng lao động được khuyến khích tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian để lao động nữ nghỉ vắt, trữ sữa do hai bên thỏa thuận với nhau.
 
Những quy định trên có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2021.
 
 
Hà Ly