Từ tuổi thơ cơ cực đến thân thế “khủng” của "công chúa Huawei”

07:00 | 29/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những năm gần đây, Mạnh Vãn Chu trở thành hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ hiện đại đối với giới trẻ Trung Quốc. Sinh năm 1972 tại Thành Đô, Mạnh Vãn Chu hiện là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài vụ của Huawei - tập đoàn smartphone lớn thứ 2 thế giới, và cũng là con gái đầu của CEO Nhậm Chính Phi.

Tuổi thơ cơ cực và hành trình tự lực phấn đấu ở Huawei

Mặc dù cuộc sống hiện tại của Mạnh Vãn Chu ở đỉnh cao sự nghiệp, thế nhưng ít ai biết rằng bà đã phải trải qua một tuổi thơ cơ cực. Năm 1984, khi Nhậm Chính Phi đưa cả gia đình đến Thâm Quyến sống và lập nghiệp. Họ ở trong ngôi nhà thuê nhỏ dột nát.

Mạnh Vãn Chu từng viết trong cuốn tự truyện của mình: “Cha mẹ vô cùng vất vả. Họ sống trong một căn phòng bị mưa dột. Ngoài trời mưa to, trong nhà thì mưa nhỏ, gió lùa bốn phía, hàng xóm bên cạnh nói chuyện bên này đều nghe được”.

"Công chúa" Huawei Mạnh Vãn Chu

Dưới sự giúp đỡ của gia đình bên ngoại, cha của Mạnh Vãn Chu được làm việc tại một công ty ở Thâm Quyến. Nhưng khi cuộc sống chưa được khá giả thì Nhậm Chính Phi lại bị người khác lừa mất 2 triệu NDT (khoảng 6,6, tỷ đồng), một khoản tiền khổng lồ lúc bấy giờ. Chính điều này là nguyên nhân khiến gia đình đổ vỡ, cha mẹ Mạnh Vãn Chu ly hôn trong cảnh túng quẫn.

Sau khi ly cha mẹ ly hôn, Mạnh Vãn Chu đi theo cha, Nhậm Chính Phi lúc đó đã đặt cược hết số tiền vỏn vẹn chỉ 20 nghìn NDT (khoảng 66 triệu đồng) còn lại để làm lại từ đầu. Trong cảnh khốn cùng, ông đã làm ra thành quả vượt ngoài sức tưởng tượng. Huawei chính là mồ hôi nước mắt 2 cha con Mạnh Vãn Chu gồng gánh từ những ngày đầu.

Về học vấn, năm 1997, Mạnh Vãn Chu từng học thạc sĩ Tài chính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung. Năm 1998, Mạnh Vãn Chu chính thức gia nhập vào Ban tài chính của Huawei, làm một nhân viên bình thường. Sau 13 năm phấn đấu hết mình với công việc, đạt được nhiều thành tựu nhất định mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của cha, Mạnh Vãn Chu đã thăng chức lên làm Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính của Huawei. Lúc bấy giờ, các nhân viên mới biết rằng thì ra “cấp dưới” của họ trước đây chính là con gái của ông chủ.

Sự nghiệp thuận lợi, tháng 4/2021, Mạnh Vãn Chu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch tài vụ, Giám đốc thường vụ Huawei, 1 trong số 11 vị giám đốc của Tập đoàn này.

Từ một nhân viên nhỏ, không nhờ cậy vào cái bóng của cha, Mạnh Vãn Chu từng bước trở thành giám đốc của Huawei, bà trở thành lãnh đạo đáng kính và xuất sắc nhất trong lòng cấp dưới và thần thượng của giới trẻ Trung Quốc

Huawei giàu mạnh cỡ nào?

Huawei, tên đầy đủ là Huawei Technologies Co Ltd, là một tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông, có trụ sở chính tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. 

Theo số liệu thống kê chính thức được đưa ra năm 2016, Huawei có  hơn 194.000 nhân viên, hoạt động tại trên 170 quốc gia và khu vực, phục vụ hơn 3 tỉ người dân trên khắp thế giới.

Tập đoàn này cũng có 21 viện nghiên cứu được đặt tại các quốc gia như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Phần Lan, Pháp, Bỉ, Đức, Ấn Độ, Nga, Israel….

Năm 2018 được đánh giá là năm hoàng kim của Huawei. Cụ thể, Huawei chính thức trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông 5G lớn nhất thế giới, vượt mặt Apple trở thành hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Samsung. Các thiết bị của hãng được bán ở khắp mọi nơi từ châu Âu và châu Á đến Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ La tinh.

Theo báo cáo tài chính năm 2018, tổng doanh thu của Huawei đạt 108.5 tỷ USD tăng 21% so với năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên mà doanh thu thường niên của nhà sản xuất này cán mốc 100 tỷ USD sau hơn 30 năm thành lập. Lãi thực của Huawei đạt 8.656 tỷ USD, Tổng tài sản năm đạt 97.109 tỷ USD.

Về người đứng đầu, ông Nhậm Chính Phi – Nhà sáng lập cũng là một trong những doanh nhân hàng đầu Trung Quốc, ông từng là cựu sĩ quan quân đội và là Đại biểu Quốc hội Trung Quốc khóa 12. Trong 2 năm 2005 và 2013, Nhậm Chính Phi được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới. Một số nguồn tài liệu cho rằng tài sản của ông vào khoảng 3,5 tỷ USD.

Người thừa kế sáng giá với năng lực vững mạnh

Mạnh Vãn Chu được xem là người thừa kế sáng giá thay cho cha mình tại Huawei. Cụ thể, vị trí và gia thế hiện tại của bà Mạnh khiến nhiều người dự đoán rằng người phụ nữ này sẽ được trao quyền lãnh đạo tập đoàn, cho dù ông Nhậm, năm nay đã 74 tuổi, từng khẳng định người nhà của ông sẽ không được kế nhiệm ông tại Huawei.

Theo thông tin từ The Globe and Mail đánh giá, bà Mạnh Vãn Chu đã trở thành tiếng nói quan trọng ở Trung Quốc. Bà từng xuất hiện trong các buổi thảo luận, bên cạnh những diễn giả tên tuổi như Ben Bernanke – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), từng là thành viên Hội đồng quản trị Skycom Tech – công ty Hong Kong có giao dịch với Iran và đang được giới chức Mỹ để ý. Thậm chí năm 2013, Reuters cho biết Skycom Tech có quan hệ mật thiết với Huawei hơn những gì được tiết lộ trước đó.

Tuy nhiên, vào năm 2018, bà Mạnh Vãn Chu bị tòa án tại bang New York, Mỹ phát lệnh bắt giữ với cáo buộc gian lận ngân hàng liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Ngày 1/12/2018, bà bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver khi đang quá cảnh tại sân bay. Hơn 1 tuần sau đó, Tòa án Canada cho phép bà Mạnh được tại ngoại vì lý do sức khỏe và nộp số tiền bảo lãnh là 7,5 triệu USD và phải chịu quản thúc tại gia ở Vancouver.

Sau gần 3 năm điều tra và xét xử, tới cuối tháng 9 năm nay, bà được phép về nước sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ về việc hoãn truy tố cho đến cuối năm 2022, sau đó các cáo buộc nhằm vào bà có thể được bãi bỏ.

Cuộc chiến pháp lý của con gái nhà sáng lập Huawei khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi Bắc Kinh bắt giữ 2 công dân Canada. Vài giờ sau khi bà Mạnh được trả tự do, 2 công dân Canada cũng được thả và lên máy bay về nước.

Bà Mạnh Vãn Chu.

Về Trung Quốc hôm 25/9, CFO Huawei được chào đón tại Trung Quốc như một “người hùng”, với thảm đỏ và những người ủng hộ vẫy cờ Trung Quốc cổ vũ. Lễ đón được phát sóng trên truyền hình nhà nước, có lúc có đến gần 100 triệu người theo dõi.

Sự chào đón phô trương như vậy với một thường dân là điều hiếm có tại Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Canada Tùng Bồi Vũ cũng đi cùng chuyến bay chở bà Mạnh về nước. Bà Mạnh Vãn Chu lúc ấy đã vô cùng cảm động trước những gì đất nước đã làm và chia sẻ rằng: “Nếu không có tổ quốc hùng mạnh, tôi sẽ không có được sự tự do ngày hôm nay”.

ĐỌC NHIỀU