Vì sao TP.HCM chỉ cho bán đồ uống có cồn tại quận 7 và TP.Thủ Đức?

Hà Lan 15:30 | 28/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cho biết, vẫn còn có ý kiến trái chiều về việc bán rượu bia nên TP chỉ cho phép hai địa phương thí điểm để có thực tiễn đánh giá, từ đó có cơ sở mở rộng hay không.

Thí điểm để có đánh giá khách quan nhất

Sáng 28/10, bên lề Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ với báo chí về việc mở lại dịch vụ ăn uống phục vụ khách tại chỗ trên địa bàn TP.

Đối với việc thí điểm cho bán bia, rượu tại TP.Thủ Đức và quận 7, ông Phan Văn Mãi cho biết, có ý kiến cho rằng bán ăn tại chỗ thì không nên cho bán cả bia, rượu, nhưng có ý kiến lại cho rằng nên được bán.

"Vì vậy TP muốn có thí điểm để có thực tiễn, nếu tình hình tốt, cải thiện thêm thì việc này sẽ được mở ra", ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: Zing)

Theo ông Phan Văn Mãi, trong thời gian thí điểm, ngoài Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và quận 7 phải theo dõi, đánh giá thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM sẽ theo dõi, đánh giá và có sơ kết, rút kinh nghiệm để tính tiếp. “Nếu ổn thì sẽ tiếp tục mở ra ở những địa bàn có nhu cầu, an toàn”.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, chủ quán và chính quyền địa phương phải quản lý để việc mở bán tại chỗ đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch như phục vụ 50% công suất và các biện pháp khác.

Về chuyện mở dần các dịch vụ đảm bảo sinh kế cho người dân, trong đó có bán hàng rong, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, sắp tới TP phải mở dần các dịch vụ, tất nhiên đi liền với sinh kế của người dân, nhưng cũng phải tính toán trật tự đô thị chứ không phải mở cho bán ăn tại chỗ thì lấy vỉa hè làm quán nhậu, lấy lòng đường làm chỗ để xe.

Đánh giá về gần một tháng mở cửa, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận tình hình dịch Covid-19 diễn biến trong kiểm soát, số ca dương tính hàng ngày không tăng đột biến, số chuyển nặng và tử vong có xu hướng giảm.

Hiện nay các quận, huyện đang tiến hành sơ kết, tổng kết để rút ra bài học, củng cố lại hệ thống nguồn lực để vừa kiểm soát dịch, vừa mở cửa cũng như chuẩn bị nếu như có những tình huống mới xảy ra.

Mở cửa nhưng không được chủ quan

Trao đổi với Zing, đại biểu quốc hội TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm nhận định, việc TP mở cửa là tất yếu. Tuy nhiên trong tiến trình mở cửa, cơ quan quản lý Nhà nước và TP cần nghiên cứu để làm sao việc mở cửa không phủ định tất cả công sức chống dịch trước đây.

Trước tiên, chúng ta cần hạn chế những điều kiện có nguy cơ lây lan lớn. Sau thời gian sơ kết, tổng kết, TP thực hiện rút kinh nghiệm ra sao thì các hoạt động sẽ còn được nới lỏng hơn nữa.

Đối với băn khoăn của các hàng quán về tiêu chí chỉ bán đến 21h hay chỉ TP.Thủ Đức và quận 7 được thí điểm bán rượu bia, thức uống có cồn, bà Lan cho biết điều này nhằm đảm bảo mục tiêu là mở cửa từng bước, tránh trường hợp người dân quá phấn khích sau thời gian dài không được giao lưu. Từ đó, rượu vào dễ dẫn đến hành vi mất kiểm soát, tăng nguy cơ lây nhiễm.

Theo bà Lan, nếu để dịch vùng phát trở lại do TP mở cửa quá thoáng sẽ là điều rất đáng tiếc. Để người dân đảm bảo tuân thủ theo quy định, nhiệm vụ của cơ quan chức năng như Ban quản lý An toàn Thực phẩm, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có hướng dẫn và tuyên truyền. Mặc khác, lực lượng địa phương cũng có kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, giám sát và xử phạt.

Trong quản lý giám sát, lực lượng chức năng không thể xử phạt tất cả trường hợp vi phạm, tuy nhiên những người vi phạm bị xử lý sẽ đem lại tính răn đe.

Bà Lan cho rằng điều quan trọng nhất không phải xử phạt như thế nào mà là ý thức của người dân.

Theo bà, TP đang đứng ở thế băn khoăn có mở cửa không?! Câu trả lời là phải mở để phục hồi kinh tế và đáp ứng nhu cầu người dân. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ một mặt TP muốn mở cửa, mặt khác lại không muốn khách tập trung đông. Tuy nhiên TP không thể tìm ra giải pháp tất cả đều hài lòng.

"Để đạt được việc đó, TP cần những giai đoạn chuyển tiếp. Dù hiểu rượu bia, không khí giao lưu cũng là nhu cầu của nhiều người sau khoảng thời gian dài. Nhưng hiện giờ chúng ta vẫn chưa an toàn", bà Lan nói.

Bà Lan nhận định môi trường quán ăn thường là môi trường kín và nhiều nguy cơ. Thông điệp 5K chỉ có thể áp dụng ngoài đường, còn khi đã vào quán ăn, người dân sẽ phải mở khẩu trang để ăn. Ngồi ăn cũng không thể không nói chuyện. Do đó, khi vào quán ăn, uống, các biện pháp bảo vệ sẽ bị giảm đi.

"Do đó, TP tìm những hạn chế khác như không uống rượu bia, giảm số lượng phục vụ 50% công suất. Việc giám sát xử phạt sẽ là của các phường, lực lượng chức năng sở, ngành", bà Lan cho biết.

 

4 tiêu chí các cơ sở kinh doanh cần đáp ứng

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP chỉ được hoạt động, phục vụ khách hàng tại chỗ khi đã đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí sau:

Tiêu chí 1 (đối với cơ sở): Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời bố trí khu vực giao – nhận thực phẩm đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, thiết bị làm khô tay; tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên, định kỳ cho người làm việc tại cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cơ sở phải có đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/ và tổ chức quét mã QR của người tham gia hoạt động tại cơ sở theo Chỉ thị 18 của UBND TP.

Tiêu chí 2 (đối với khách hàng): Phải thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và cơ sở kinh doanh.

Tiêu chí 3 (đối với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao – nhận hàng, người đến liên hệ): Thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.

Người làm việc tại cơ sở kinh doanh là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ít nhất một mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm.

Tiêu chí 4 (đối với chủ cơ sở): Chủ cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại cơ sở.

Có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại cơ sở trong cùng một thời điểm (có bảng thông báo rõ tại cơ sở) và đảm bảo số lượng khách đến ăn uống tại cơ sở không được vượt quá số lượng đã thông báo trong cùng một thời điểm.

Thực hiện báo cáo phương án tổ chức kinh doanh và các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch tại cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn để theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM quy định rõ, tuỳ theo tình hình dịch bệnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động phải 4 bốn tiêu chí nêu trên và thực hiện theo quy định cụ thể của UBND TP.HCM.