Từ vụ sụp lún cầu Hòa Bình ở Tây Ninh: Bộ Xây dựng yêu cầu siết chặt quản lý chất lượng, an toàn thi công dự án giao thông
Bộ trưởng Xây dựng vừa ký công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và các ban quản lý dự án thuộc Bộ tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Công điện nêu rõ: Ngành xây dựng đang triển khai đồng loạt nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại một số dự án, công tác đảm bảo chất lượng thi công, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vẫn còn tồn tại, hạn chế, vẫn để xảy ra tai nạn lao động, sự cố công trình như: Rơi dầm cầu Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng); trôi cầu treo Sơn Lăng (tỉnh Bình Phước); sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh (tỉnh Long An); sự cố cầu Cái Đôi Vàm (tỉnh Cà Mau).

Sự cố sụt lún đường đầu cầu Hoà Bình mới xảy ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh ĐBVN.
Đặc biệt là sự cố sụt lún đường đầu cầu Hoà Bình tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; thi công thảm mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai trong điều kiện thời tiết bất lợi vừa qua...
"Nguyên nhân chủ yếu do một số chủ đầu tư/Ban QLDA, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Một số nội dung trong hồ sơ dự án, khảo sát, thiết kế xây dựng còn khiếm khuyết dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung, làm kéo dài thời gian thi công trong quá trình thực hiện", Bộ Xây dựng chỉ rõ.
Xác định chất lượng công trình luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân sự. Trong đó, bộ phận điều hành dự án tại hiện trường cần bố trí nhân sự phù hợp, đảm bảo không chồng chéo, xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đơn vị, tổ chức quản lý, điều hành dự án đảm bảo thống nhất, xuyên suốt, đạt hiệu quả cao.
"UBND các tỉnh, thành cần chỉ đạo siết chặt kỷ cương, quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án trong suốt quá trình triển khai dự án; Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc các chủ thể thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thiết kế, thi công theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, biện pháp thi công đã được chấp thuận, tuân thủ hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án và các quy định; kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm", công điện nêu.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương nâng cao chất lượng trong việc lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, đảm bảo đầy đủ số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thuỷ văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải theo đúng quy định, nhất là các khu vực nền đất yếu, khu vực có điều kiện địa chất phức tạp; giám sát chặt chẽ thực hiện khảo sát, phê duyệt kết quả khảo sát, kiểm soát chất lượng hồ sơ, nghiệm thu trước khi trình thẩm định theo đúng quy định.
Nghiêm cấm các hành vi thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đơn vị để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án.
Các địa phương cũng được đề nghị tăng cường công tác quản lý hồ sơ nghiệm thu, trình tự thủ tục, hồ sơ pháp lý trong quá trình thi công; Kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, vật tư, thiết bị, công tác đổ thải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật; Kiểm soát, theo dõi chặt chẽ công tác thí nghiệm kiểm tra chất lượng trong quá trình thi công
Tăng cường quản lý chất lượng, an toàn trong thi công dự án, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện loạt giải pháp khác như: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng làm việc bình thường của công trình, dự án; Yêu cầu nhà thầu thực hiện nghiêm túc việc bảo hành công trình tuân thủ hợp đồng đã ký kết; Kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã ký kết; Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm chất lượng công trình theo quy định của hợp đồng.
Đối với các cơ quan tham mưu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trực thuộc, Bộ Xây dựng yêu cầu siết chặt kỷ cương, đặc biệt trong công tác quản lý chất lượng; Tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các chủ thể từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn thực hiện và giai đoạn kết thúc dự án; Kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Yêu cầu Chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ
Liên quan đến Các công trình giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai nhằm bảo đảm an toàn giao thông, thông suốt các tuyến đường trọng yếu.
Trong những ngày đầu tháng 5/2025, mưa lớn kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông đường bộ tại khu vực miền Đông Nam Bộ.
Theo đó, từ ngày 9-11/5/2025, trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng. Lượng mưa lớn dồn dập khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu, gây cản trở giao thông và làm hư hỏng một số hạng mục hạ tầng giao thông. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng lún sụt mặt đường đầu cầu Hòa Bình thuộc hệ thống đường địa phương tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh gây mất an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua khu vực.
Nhằm chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Khu Quản lý đường bộ IV và Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, yêu cầu phối hợp thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Khu Quản lý đường bộ IV khẩn trương rà soát, đánh giá tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi quản lý; kịp thời tổ chức khắc phục các hư hỏng phát sinh do mưa lũ để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Đồng thời, đơn vị cần kiểm tra, đôn đốc các Nhà đầu tư BOT đang quản lý, vận hành khai thác quốc lộ thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai theo đúng nội dung hợp đồng dự án đã ký. Trường hợp gặp vướng mắc hoặc vượt quá thẩm quyền, cần báo cáo kịp thời cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý.
Đối với địa bàn tỉnh Tây Ninh, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố lún sụt tại cầu Hòa Bình, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Xây dựng tỉnh hướng dẫn hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo UBND huyện Châu Thành và các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các giải pháp kỹ thuật khắc phục sự cố. Mục tiêu là sớm khôi phục tình trạng an toàn, ổn định cho công trình, bảo đảm giao thông được thông suốt trở lại trong thời gian sớm nhất.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng lưu ý các đơn vị căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đường bộ và Thông tư số 40/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ một cách đồng bộ, hiệu quả, đúng quy trình và quy định pháp luật.
Cầu Hòa Bình bắc qua kênh Sóc Hòa Hội, nối xã Hòa Thạnh và Hòa Hội, thiết kế dài 450 m, rộng 12 m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 37 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và huyện.
Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 6, tuy nhiên sau đó được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng từ ngày 22/4 và chính thức khánh thành ngày 25/4, sớm hơn kế hoạch dự kiến khoảng 1,5 tháng.
Nhà thầu thi công xây dựng công trình là Công ty TNHH Vũ Hoan, có địa chỉ tại đường Trần Văn Trà, ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Ngày 26/4/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho dự án cầu Hòa Bình theo Quyết định số 51/QĐ-BQLDA.
Trước đó, gói thầu được đấu thầu rộng rãi theo hình thức một giai đoạn một túi hồ sơ, hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện 360 ngày. Giá trúng thầu của Công ty TNHH Vũ Hoan là 24,499 tỷ đồng, trong khi giá dự toán là 25,304 tỷ đồng.
Buổi mở thầu được tổ chức ngày 22/4/2024 với 2 đơn vị tham gia. Trong đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Tây Ninh đưa ra giá thấp hơn (24,496 tỷ đồng) nhưng bị loại do "không đạt yêu cầu về kỹ thuật".
Công ty Vũ Hoan được thành lập vào tháng 2/2014, do ông Vũ Ngọc Hoan là người đại diện pháp luật. Theo giới thiệu, công ty này hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng, trường học, cơ quan hành chính tại Tây Ninh.
Các dự án tiêu biểu của Công ty Vũ Hoan tập trung chủ yếu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, có thể kể đến Huyện ủy Tân Biên, Bưu điện tỉnh Tây Ninh, Trung tâm Y tế huyện Tân Biên, Trường mẫu giáo Hướng Dương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Biên, đường Trương Nữ Vương, đường Thạnh Bình - Xóm Chàm...