Tuyển dụng nhân lực công nghệ: Cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu ứng viên nước ngoài tăng

09:28 | 24/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số, nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ cao khiến các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu tuyển dụng ứng viên người nước ngoài tăng.
Tuyển dụng khó khăn
 
Tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin năm 2021 sẽ khó khăn là nhận định của giới chuyên gia được tờ Thanh niên trích dẫn, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
 
 
Tuyển dụng nhân lực công nghệ: Cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu ứng viên nước ngoài tăng - ảnh 1
Tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin năm 2021 sẽ khó khăn
 
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong tuyển dụng nhân lực công nghệ được phân tích: Trong tháng 1 và 2, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ Thăng Long (trụ sở tại Q.Hà Đông, Hà Nội) có nhu cầu tuyển 100 kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT), nhưng việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn.
 
Ông Lê Duy Thứ, Trưởng ban CNTT của công ty này, cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này tăng cao khi Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ 4.0, các doanh nghiệp (DN) mới trong lĩnh vực CNTT ra đời ngày càng nhiều, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu về nhân lực không đáp ứng đủ.
 
“Chúng tôi không tìm được người do nhiều công ty có tiềm lực về tài chính đưa ra mức lương cao để thu hút nhân lực. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển dụng của các công ty vừa và nhỏ”, ông Thứ bày tỏ.
 
Ông Phạm Văn Hưng, Trưởng phòng Giải pháp phần mềm Công ty đầu tư phát triển công nghệ Soft Việt, cũng cho biết đơn vị này đang cần tuyển các vị trí lập trình viên, kiểm tra chất lượng phần mềm, nhân viên thiết kế giao diện… với mức lương 15 - 28 triệu đồng/tháng; yêu cầu có kinh nghiệm và chịu được áp lực. Trước đây, công ty thường đăng tin tuyển dụng trên mạng xã hội, nay tuyển dụng khó khăn hơn trước nên đã phải thông qua kênh sàn giao dịch việc làm để có thêm cơ hội tuyển nguồn từ người lao động và sinh viên các trường đại học, cao đẳng mới ra trường.
 
Khảo sát của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội về nhu cầu tuyển dụng lao động cuối tháng 1 cho thấy ngành CNTT - viễn thông dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng với hơn 1.000 chỉ tiêu. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc trung tâm này, cho hay: “Các vị trí đang thiếu hụt là lập trình viên, kỹ sư CNTT, nhân viên thiết kế, nhân viên kỹ thuật... Nếu trước đây, DN CNTT thường tuyển dụng nam nhiều hơn thì gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động nam giới và nữ giới tương đương nhau. Điều này cho thấy do thiếu hụt nhân lực, canh tranh về nhân sự, các tiêu chí tuyển dụng, giới tính không còn quan trọng. Yêu cầu chính đối với các ứng viên là đáp ứng được về bằng cấp và đặc biệt khả năng thích ứng của từng công việc cụ thể”.
 

Đẩy mạnh tuyển dụng người nước ngoài

 
Tờ Thanh niên đưa ra khảo sát của Công ty Navigos Search công bố cuối tháng 1, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT đã hồi phục nhanh sau COVID-19  lần 2. Các DN vẫn tiếp tục tuyển dụng, tuy nhiên tập trung vào nhân sự chất lượng cao với các công nghệ cập nhật nhất, nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 , vẫn có công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư CNTT trong năm 2021.
 
Thống kê từ TopDev, trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm, cho thấy nhu cầu nhân lực CNTT tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Năm 2021, số lượng nhân lực CNTT cần là 500.000 người và thiếu hụt 190.000 người.
 
Dự báo về những lĩnh vực thu hút nhân lực trong năm 2021, ông Lê Duy Thứ cho hay: “Phân tích dữ liệu (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), an toàn thông tin, lập trình... là những công nghệ mới mà hiện nay nhiều công ty bắt đầu nghiên cứu và hiện đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là lĩnh vực an toàn thông tin, các trường đại học ở Việt Nam gần như đào tạo không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn, nên nhiều tập đoàn lớn phải tuyển nguồn từ nước ngoài”.
 
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, chia sẻ: “Nhân lực CNTT đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt từ sau dịch COVID-19 , các DN đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ, nhu cầu nhân lực trong ngành này chưa bao giờ giảm nhiệt. Ngoài trang bị những kiến thức cơ bản, để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, các trường cần cập nhật thêm các kiến thức mới, đào tạo các ngành nghề làm chủ công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, Blockchain… Với sinh viên, cần trang bị thêm kỹ năng làm việc nhóm và tiếng Anh”.
 
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho biết: “Đánh giá sơ bộ của Sở LĐ-TB-XH cho thấy tuyển dụng lao động của các DN có ứng dụng, sử dụng CNTT từ sau dịch COVID-19  lần 2 có xu hướng tăng mạnh. Hiện nay, trên 20 DN lớn, tập đoàn lớn sử dụng ứng dụng CNTT đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực.
 
 Trước đó, trang congthuong.vn cũng trích dẫn đánh giá của Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam nhận định, trong năm 2021 ngành CNTT thu hút nhiều nhân lực nhất, sau đó là ngành ngân hàng và bảo hiểm.
 
Đại diện Navigos Search (thành viên của Navigos Group) cho biết, trong quý 4/2020, nhu cầu tuyển dụng các ứng viên người nước ngoài có dấu hiệu gia tăng. Các doanh nghiệp trong ngành tài chính ngân hàng đẩy mạnh việc tuyển dụng người nước ngoài phụ trách các thị trường Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các ứng viên được yêu cầu phải là người đúng quốc tịch của thị trường đó và phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
 
 
Tuyển dụng nhân lực công nghệ: Cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu ứng viên nước ngoài tăng - ảnh 2
 Nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT đã hồi phục nhanh sau COVID-19  lần 2
 

 
CNTT cũng là một ngành có yêu cầu tuyển dụng các ứng viên người nước ngoài. Trong khi nhân sự người Việt chỉ đáp ứng được một số kỹ năng, công nghệ, quy mô quản lý và mô hình kinh doanh nhất định, thì đối với mảng công nghệ mới, các doanh nghiệp trong ngành này đang tìm kiếm các ứng viên người nước ngoài. Các ứng viên được tìm kiếm nhiều thuộc các quốc tịch châu Âu và Mỹ sử dụng tiếng Anh bản ngữ. Bên cạnh đó là các ứng viên quốc tịch Ấn Độ cho mảng CNTT do các ứng viên này có trình độ chuyên môn cao cũng như phù hợp về ngân sách lương của các doanh nghiệp trong ngành này.
 
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức quay trở lại hoạt động sản xuất và tuyển dụng từ quý 4/2020. Đã có một số doanh nghiệp điện, điện tử tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số doanh nghiệp khác, đặc biệt trong ngành nội thất đã tăng sản lượng lên gấp đôi so với trước khi có dịch.
 
Các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản đang tiếp tục chứng kiến sự thay đổi về việc lựa chọn ứng viên. Đối với các ứng viên chỉ biết tiếng Nhật, không chỉ cơ hội nghề nghiệp tại các công ty này sẽ giảm đi đáng kể, mà mức lương của các ứng viên cũng sẽ thấp hơn nhiều. Do vậy, bên cạnh các điều kiện bắt buộc về chuyên môn, yêu cầu ứng viên biết tiếng Anh và tiếng Nhật gần như là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn ứng viên.
 
Trong năm 2021, các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Cần Thơ đang nhận được sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài.
 
Theo nhận định của Navigos Search, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản trong mảng linh kiện điện tử và ô tô đang có kế hoạch mở rộng trong năm 2021. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sản xuất thuộc châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường phía Nam. Do quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh không còn nhiều nên dự kiến họ sẽ mở rộng ở các khu công nghiệp mới tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Cần Thơ. Từ thực tế này cho thấy, ngành công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng rất lớn.
 
Trong quý 4/2020, Navigos Search quan sát thấy nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT đã hồi phục nhanh sau COVID-19. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng, tuy nhiên tập trung vào các nhân sự chất lượng cao với các công nghệ cập nhật nhất nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cũng rất nhạy bén trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng và có chính sách lương thưởng tốt để thu hút nhân sự chất lượng.
 
Mặc dù dịch bệnh COVID-19  vẫn khiến ngành CNTT trì hoãn trong tuyển dụng, tuy nhiên vẫn có công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư CNTT trong năm 2021.
 
Trong khi đó, các ngân hàng đang có kế hoạch tuyển dụng số lượng lớn các vị trí quan hệ khách hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng các ứng viên trong mảng công nghệ, dữ liệu sẽ được đẩy mạnh do nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các ngân hàng thương mại.
 
Đối với ngành bảo hiểm, nhu cầu tuyển các tư vấn bảo hiểm nhân thọ làm việc toàn thời gian sẽ gia tăng trong thời gian tới. Do một số công ty bảo hiểm nhân thọ ký được các hợp đồng độc quyền với các ngân hàng thương mại trong mảng Bancassurance nên họ đang có nhu cầu tuyển dụng các nhân viên tư vấn làm việc toàn thời gian. Bên cạnh đó, nhu cầu đào tạo nhân viên tư vấn bảo hiểm trong mảng này là cần thiết nên cũng xuất hiện nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia đào tạo trong mảng bảo hiểm nhân thọ.
 
Minh Hoa
 
Xem thêm