Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Đây là thời điểm vàng để đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân
Tham dự Techcombank Investment Summit diễn ra tại Hà Nội vào hôm nay (9/7), bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) phát biểu: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vừa ban hành tháng 5 năm nay đã nhấn mạnh "kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, là lực lượng tiên phong trong tăng trưởng, việc làm, năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực tư nhân sẽ đóng góp 65% GDP quốc gia".
Theo bà, hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một thế hệ doanh nghiệp Việt mới – bản lĩnh, tử tế và mang tầm vóc quốc tế. Những doanh nghiệp không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn mang trong mình một văn hóa kinh doanh đậm đà bản sắc dân tộc, tinh thần trách nhiệm xã hội, và khát vọng phụng sự.
Bà tin rằng năng lực sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân Việt là không giới hạn – và điều quan trọng hơn là tinh thần dấn thân vô điều kiện.
"Khi sàn HOSE nghẽn lệnh, trong vòng 100 ngày, các doanh nghiệp tư nhân đã cùng triển khai giải pháp công nghệ giúp thị trường vận hành ổn định suốt hơn 4 năm qua với những phiên giao dịch trên 1 tỷ USD. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi phối hợp tổ chức hòa nhạc quốc tế, triển khai nền tảng đóng góp trực tuyến Quỹ vaccine – kết nối doanh nghiệp, người dân và hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Hơn 11.000 tỷ đồng đã được huy động, đóng góp cho chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Chúng tôi phụng sự xã hội không bằng lời nói, mà bằng từng sản phẩm ngân hàng - tài chính, từng chuyến bay chuyên chở ước mơ. HDBank, ngân hàng số Vikki luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp", tỷ phú Phương Thảo nói.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Thảo cho biết, đang xây dựng một hệ sinh thái hàng không toàn diện – từ kỹ thuật, logistics, đào tạo, nghiên cứu đến hợp tác với những nhà sản xuất động cơ, tàu bay, những đối tác công nghệ toàn cầu như GE, Pratt & Whitney, Airbus, Boeing… Mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới, với năng lực cạnh tranh công nghệ, chất lượng và con người.
Theo nữ tỷ phú, để hiện thực hóa những khát vọng đó, thị trường vốn cần đóng vai trò trụ cột cho tăng trưởng dài hạn, đồng hành cùng tín dụng ngân hàng. Sự kết nối giữa ngân hàng và thị trường vốn là chìa khóa để hỗ trợ doanh nghiệp – nhất là SME, bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nông nghiệp và công nghệ cao.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo kiến nghị: Duy trì ổn định vĩ mô, mặt bằng lãi suất hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt. Khuyến khích tín dụng số hóa, phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư và vốn xanh. Tận dụng hiệu quả các FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP để thúc đẩy dòng vốn quốc tế vào Việt Nam. Đầu tư vào AI, blockchain, kinh tế tuần hoàn và công nghệ “Make in Vietnam” sẽ là chìa khóa để Việt Nam tăng tốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank chia sẻ, có cơ hội được đồng hành với Bộ Tài chính từ những ngày đầu thị trường vốn sơ khai. Từ chương trình trả nợ Nga bằng hàng hóa, đến phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên của Chính phủ. Từ đề án thành lập những ngân hàng cổ phần đầu tiên – trong đó có Techcombank. "Tôi tự hào là một trong những nhà đầu tư đầu tiên – và cho đến nay vẫn giữ nguyên số cổ phần như một kỷ niệm đẹp, minh chứng cho niềm tin vào hành trình phát triển ngân hàng", bà nói.
“Khát vọng của chúng tôi không chỉ là tăng trưởng, mà là phụng sự, không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả cộng đồng và các nhà đầu tư. Việt Nam hôm nay là một Việt Nam mới, năng động, đổi mới, tăng trưởng nhanh nhất khu vực, hội nhập sâu rộng, cải cách mạnh mẽ. Đây là thời điểm vàng để để đầu tư vào doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, những người đã góp phần xây dựng một tương lai bền vững, nhân văn và thịnh vượng”, nữ tỷ phú bày tỏ.