UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về các dự án giao đất không qua đấu giá

11:24 | 21/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 18/11, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì buổi họp báo, cung cấp những thông tin liên quan đến các dự án trên địa bàn tỉnh.
Chiều 18/11, Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì buổi họp báo, cung cấp những thông tin liên quan đến các dự án trên địa bàn tỉnh. Đây là các dự án vừa qua được nhiều cơ quan báo chí phản ánh: “Đất vàng” giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá và 1 số vấn đề liên quan… ; rất nhiều cơ quan báo chí trong nước đã đến tham dự.

Bình Thuận họp báo về dự án du lịch Biển Quê HươngToàn cảnh buổi họp báo

Những lý giải của tỉnh Bình Thuận cho việc “giao đất không qua đấu giá”

Cụ thể, có 4 dự án thời gian qua thường xuyên được báo chí nhắc đến kèm theo đó là vô vàn sai phạm nhưng điển hình là việc giao đất không qua đấu giá, đó là: Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành (TP Phan Thiết); Dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn tại phường Phú Thủy (TP Phan Thiết); Dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (TP Phan Thiết) và dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 của Công ty Cổ phần Tân Việt Phát.
 
Theo đó, đối với Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 3579/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 cho Công ty TNHH Biển Quê Hương - Phan Thiết (trước đây là Công ty Cổ phần giao nhận vận tải và hóa chất Việt Nam); điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 09/5/2018, Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 và Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 07/7/2020. Dự án được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất tại Quyết định số 2590/QĐ-UBND ngày 27/9/2018, điều chỉnh tại Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 02/5/2019, với diện tích 125.419,8 m². Trong đó, diện tích 104.811,3 m² tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam với mục đích sử dụng đất là Đất thương mại dịch vụ, hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; diện tích 20.608,5 m² đất tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết với mục đích đầu tư các hạng mục đích công cộng theo hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đây là Dự án thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.
 
Cũng tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích 7,17 ha cây phi lao nằm trong khu vực dự án được trồng từ ngân sách Nhà nước, nằm ngoài quy hoạch 03 loại rừng qua các thời kỳ nên không phải là rừng phòng hộ. Đây là diện tích nằm riêng lẻ tại khu vực giáp ranh 02 địa phương, trên diện tích thuộc bãi ngang ven biển Tiến Thành - Thuận Quý, trước đây là bãi đất trống được UBND xã Thuận Quý và Tiến Thành bố trí trồng cây phi lao năm 1995. Qua rà soát, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích 7,17 ha đảm bảo điều kiện theo qui định tại Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

Bình Thuận họp báo về dự án du lịch Biển Quê Hương

Dự án KDL Biển quê hương được giao đất không thông qua đấu giá. 

Đối với Dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Đức Hoà khẳng định: Đây là Dự án rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Theo đó, các thủ tục như: Thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư, về đấu giá (không đấu giá) quyền sử dụng đất; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư... của Dự án đều đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
 
Đối với Dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, thành phố Phan Thiết có diện tích dự án là 1.228.452,6 m² (Đất mặt nước ven biển là 269.577,6 m², thuộc phần biển của phường Đức Long, xã Tiến Thành, trên thực tế không có đất, chỉ có mặt nước biển, nằm ngoài diện tích tự nhiên của phường Đức Long, xã Tiến Thành. Đất của các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức khác đang sử dụng là: 958.875 m²). Dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư là đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Về diện tích 26,9 ha mặt nước ven biển nằm ngoài ranh giới địa chính do UBND phường Đức Long và UBND xã Tiến Thành quản lý, hiện trạng chỉ là mặt nước ven biển, không có đất liền theo đơn vị hành chính của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh (điểm a khoản 2 Điều 34 Luật Đất đai năm 2013). Do hiện trạng chỉ là mặt nước ven biển, không có đất, nên không đưa ra đấu giá. Còn 958.875 m² đất còn lại phải thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời mồ mả, không có đất sạch nên không đủ điều kiện để đấu giá đất theo quy định tại Điều 119 Luật Đất đai năm 2013.
 
Riêng về thông tin không đấu giá quyền sử dụng đất thuộc 3 lô đất số 18,19 và 20 của dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 của Công ty Cổ phần Tân Việt Phát, được lãnh đạo các cơ quan chức năng thông tin rõ: Ba lô đất này đã được thông báo bán đấu giá 06 lần (năm 2013: 02 lần, năm 2014: 02 lần, năm 2015: 02 lần, thông báo lần 6 ngày 26/11/2015 có mở rộng thông báo rộng rãi trên các báo Trung ương ngoài địa phương) nhưng không có người tham gia nên UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với 03 lô đất trên cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát là đúng theo quy định pháp luật.

Nhiều vấn đề chưa được giải thích thỏa đáng

Ngoài những thông tin đã cung cấp trên, hầu hết các câu hỏi mang tính chất vấn, khai thác sâu thông tin từ các phóng viên đều chưa được giải đáp thỏa đáng tại buổi họp báo. Chẳng hạn PV Báo Tuổi trẻ đã đặt câu hỏi: “Đối với phần 7ha cây phi lao nằm trong phạm vi dự án Biển Quê Hương, xin địa phương cho biết mục đích trồng trước đây là gì? Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt như thời gian qua, việc thanh lý số cây này liệu có ảnh hưởng đến môi trường hay không?

Bình Thuận họp báo về dự án du lịch Biển Quê Hương

Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, thành phố Phan Thiết hiện chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng được chủ đầu tư rao bán đất nền từ năm 2018. 

Trả lời câu hỏi này, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận lý giải, cách đây 25 năm, khu vực này Nhà nước giao cho các địa phương trồng cây chống hoang hóa. Thời điểm này không có các khái niệm như chống sạt lở hay chắn gió chắn cát... Đến bây giờ mới có những khái niệm này. Diện tích cây phi lao này là cây lâm nghiệp nhưng không phải trồng trên đất lâm nghiệp, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng qua các thời kỳ. Vì số cây này do Nhà nước trồng nên xác định là tài sản trên đất. Vì vậy, địa phương đã thông qua đấu giá số cây này, số tiền thu được cũng như chi phí mà nhà đầu tư phải nộp để trồng thay thế là khoảng 400 triệu đồng. Hiện địa phương đã trồng thay thế tương đương diện tích này tại khu vực rừng phòng hộ. Khu vực này từ lâu chưa bao giờ xảy ra hiện tượng sạt lở.
 
Cũng liên quan đến dự án Biển Quê Hương, phóng viên Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: “Theo thông tin đầu tư thì dự án Biển Quê Hương có kinh doanh khách sạn, cho thuê biệt thự. Tuy nhiên, kinh doanh trong lĩnh vực này phải thông qua đấu giá đất, xin địa phương giải thích thêm?”
 
Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Thuận cho rằng: Khu vực dự án là đất sản xuất kinh doanh và phi nông nghiệp thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư nên vẫn được miễn tiền thuê đất. Việc thực hiện miễn giảm này là cho chung cho cả kinh doanh và phi nông nghiệp. Mặc dù dự án có kinh doanh khách sạn, biệt thự nhưng vẫn là đất thương mại dịch vụ. Bản chất của dự án không sử dụng vào mục để bán mà chỉ sử dụng theo vòng đời.
 
Hay đặc biệt trước câu hỏi: “Gần đây UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn hỏa tốc trong đó có các nội dung: “Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử, đưa thông tin về các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh không chính xác, thiếu tính xây dựng, và đặc biệt là tập trung vào một vài đồng chí lãnh đạo tỉnh, làm ảnh hưởng đến công tác nhân sự…” hay “ …những bài báo có thông tin không chính xác, gây bức xúc trong nhân dân…” đề nghị Tỉnh cho biết các bài báo thiếu tính xây dựng chỗ nào? Lãnh đạo nào bị báo chí làm ảnh hưởng? Các bài báo ảnh hưởng đến công tác nhân sự ra sao? Hay gây bức xúc trong nhân dân là những ai bức xúc? Vì sao phải ra công văn hỏa tốc?
 
Với câu hỏi này đại diện UBND tỉnh Bình Thuận không trả lời thẳng vào vấn đề mà chỉ giải thích dẫn rằng đó là công văn nội bộ, chỉ là thông báo nhắc nhở chung chung, chứ không có ý gì khác, Tỉnh cũng đã làm việc với các tờ báo rồi.
 
Tuy nhiên, chưa đồng tình với câu trả lời này, sau buổi họp báo chính thức, PV Tạp chí điện tử Doanh Nhân Việt Nam đã có trao đổi riêng với ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Vì sao công văn nội bộ mà UBND tỉnh Bình Thuận lại gửi lên Cục báo chí (Bộ Thông tin Truyền thông) và Ban Tuyên giáo Trung Ương? Vì sao trong công văn của UBND tỉnh Bình Thuận nêu đích danh tên bài báo viết của Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam? Xin cho biết bài báo có vi phạm gì về chính trị, xúc phạm trực tiếp đến lãnh đạo nào của tỉnh gây bức xúc của nhân dân như trong công văn như thế nào...., thì ông Hòa không trả lời thẳng vào vấn đề mà cho rằng bài báo chỉ là một ví dụ được đưa vào trong công văn, và đây là lỗi của bộ phận soạn thảo văn bản, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ rút kinh nghiệm và sẽ có thông tin đính chính trong các thông báo của tỉnh. 
                                                                                                                Thiên Vũ – Bảo Trần

ĐỌC NHIỀU