Ứng dụng `mua bán đồ cũ` ăn nên làm ra trong mùa dịch

15:20 | 09/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế trở nên khó khăn hơn, nhu cầu mua bán đồ cũ, rẻ tiền tăng cao. Chính vậy mà các ứng dụng mua bán đồ cũ đã "vớ bẫm" trong dịp này, thậm chí còn đang tính tới chuyện IPO.
Tuy cũng có một số dự án xây dựng nền tảng công nghệ mua bán đồ cũ, nhưng đến nay vẫn chưa có nền tảng nào ghi được dấu ấn. Giao dịch đồ cũ trên mạng đang dừng ở mức các nhóm trao đổi nhỏ ở trên mạng.
 
Nhưng trên thế giới, các nền tảng công nghệ mua bán đồ cũ đã phát triển từ gần 20 năm qua. Đến năm nay, gặp dịch, những nền tảng này lại có một cơ hội để ‘lên hương’.
 
ứng dụng mua bán đồ cũ
 
Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, các nền tảng giao dịch đồ cũ Poshmark, ThredUp và Wish đều được thành lập sau đợt khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Một thập kỉ đã trôi qua, và dù cho dịch bệnh vẫn đang hoành hành, các trang web này vẫn sống tốt.
 
Trong một thời gian dài, khi nhắc đến một trang mua sắm đồ cũ, người ta chỉ nghĩ tới eBay và Craiglist. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau cuộc khủng hoảng tài chính.
 
Được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng điện thoại thông minh, 3 ứng dụng sau đã ra đời: ThredUp (năm 2009), Wish (năm 2010) và Poshmark (năm 2011).
 
Và mùa dịch năm nay, kinh tế khó khăn, nhu cầu đồ cũ, rẻ tiền tăng cao. Cả 3 ứng dụng này làm ăn được, và tính tới chuyện IPO.
 
ứng dụng mua bán đồ cũ
 
ThredUp và Poshmark - đều hoạt động trong thị trường thời trang cũ trị giá 28 tỷ USD - đã nộp hồ sơ một cách bí mật. Số liệu không được công khai nhưng Coresight đánh giá Poshmark là nền tảng lớn thứ hai sau eBay.
 
Trong khi đó, Wish - nền tảng chuyên bán các mặt hàng cực rẻ và thường có xuất xứ Trung Quốc - tuyên bố họ là ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên thế giới. Theo bản cáo bạch của công ty trị giá 11 tỷ USD này, họ có 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở hơn 100 quốc gia, hơn 500.000 điểm bán với 150 triệu mặt hàng (gần 1,8 triệu được giao dịch hàng ngày) và doanh thu 1,7 tỷ USD trong tháng 9 (so với 1,1 tỷ USD của cả năm 2017).
 
ứng dụng mua bán đồ cũ
 
Theo Forbes, Peter Szulczewski - CEO của Wish - cho biết công ty hướng đến “25% hộ gia đình có thu nhập thấp ở Hoa Kỳ, những người chỉ kiếm được không quá 31.000 USD mỗi năm”.
 
Trên trang web này, bạn sẽ tìm thấy những loại đồng hồ với giá 4 USD, máy tính xách tay trị giá 253 USD hay thậm chí cả một chiếc nhẫn đính hôn với chỉ 12 USD.
 
Cùng với Poshmark và ThredUp, các công ty này đang khai thác một thị trường đầy tiềm năng, nơi mà giới trẻ sẵn sàng mua về những món đồ cũ được dự báo sẽ chiếm 17% tủ đồ của họ vào năm 2029 so với chỉ 3% và năm 2009, theo GlobalData Retail.
 
Tiềm năng là vậy nhưng họ vẫn phải rất cẩn trọng với những thách thức tiềm tàng. Lấy ví dụ, Wish đã mất một khoản trợ cấp vận chuyển lớn vào tháng 7, qua đó tạo điều kiện cho thương gia Trung Quốc gửi hàng trực tiếp đến Mỹ với chi phí rẻ hơn. Với hầu hết mặt hàng giao dịch trên Wish đến từ Trung Quốc, Forbes gọi các nhà buôn Trung Quốc là một “mối đe dọa hiện hữu”.
 
Để bù đắp khoản lỗ này, Wish đang xây dựng mạng lưới 100.000 cửa hàng nhỏ trên khắp nước Mỹ. Khách hàng có thể hưởng ưu đãi chi phí thấp nếu họ trực tiếp đến mua đồ tại cửa hàng.
 
Không ai chắc chắn về tính khả thi của chiến lược này. Nhưng tình hình kinh tế dịch bệnh như thế này, nhu cầu săn lùng đồ cũ có thể sẽ tiếp tục đi lên.
 
Hải An (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)