Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Thách thức không nhỏ

08:13 | 12/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là đánh giá của TS. Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nguyên Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.
Sau hơn 8 tháng được thành lập và sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 131 của Chính phủ ngày 29/9/2018 quy định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), Ủy ban đã tổ chức Lễ ra mắt vào ngày 30/9/2018 tại Hà Nội. 
Ủy ban thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Chức năng kinh doanh vốn nhà nước là của Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), một Tổng công sẽ chuyển từ Bộ Tài chính về Ủy ban.  
Bắt đầu từ tháng 10/2018, Ủy ban sẽ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (DNNN lớn) với số vốn chủ sở hữu Nhà nước là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
19 DNNN lớn gồm 7 tập đoàn (Dầu khí; Điện; Than, Khoáng sản; Hóa chất; Cao su; Bưu chính, viễn thông và Xăng dầu) và 12 Tổng công ty (SCIC; Hàng không; Hàng hải; Đường sắt; Cảng hàng không; Đường cao tốc; Cà phê; Thuốc lá; Lương thực miền Bắc và miền Nam; Lâm nghiệp và Mobifone), 
Các DNNN lớn trên hiện thuộc 5 bộ sẽ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu cho Ủy ban là Công Thương; Giao thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin Truyền thông và Tài chính, trong đó Bộ Công Thương nhiều nhất là 6, tiếp đến Bộ Giao thông và Nông nghiệp và phát triển Nông thôn mỗi bộ 5, Bộ Thông tin Truyền thông 2 và Bộ Tài chính chỉ có 1. 
Đáng lưu ý là trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém thuộc Bộ Công Thương có tới 9 dự án của Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Hóa chất thuộc diện chuyển giao đại diện chủ sở hữu cho Ủy ban. 
Về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Lễ ra mắt Ủy ban: Ủy ban là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm thực hiện mục tiệu nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là yêu cầu cơ bản mà Đảng, Nhà nước đặt ra từ lâu.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhanh chóng kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, kiện toàn, không để kẽ hở cho tham nhũng, nâng cao trách nhiệm giải trình tại Ủy ban cũng như tại các tập đoàn, cơ chế giám sát người đại diện, tăng cường minh bạch, tránh thất thoát, không để xảy ra tình trạng "sân trước sân sau"… 
Ủy ban thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp kể từ ngày ký Biên bản chuyển giao. 
Đối với các doanh nghiệp Ủy ban đảm nhiệm các quyền hạn:
Cử, bãi, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, quyết định tiền lương, phụ cấp trách nhiệm, tiền thưởng của người đại diện phần vốn Nhà nước;
Quyết định việc tăng vốn, bổ sung vốn đầu tư nhà nước, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp của Nhà nước;
Giám sát việc thu hồi vốn đầu tư, thu lợi nhuận, cổ tức…
Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn với tư cách là đại diện chủ sở hữu được chuyển giao từ 5 Bộ nêu trên tại 19 DNNN lớn đang đặt ra thách thức không nhỏ để thấy Ủy ban phải có cố gắng lớn, vượt bậc, đổi mới, sáng tạo vươn lên đủ tâm và tầm thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó là:  
Cũng như các bộ, Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu, tuy được tập trung vào một đầu mối và tách chức năng quản lý nhà nước của các bộ với chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tức vừa ban hành chính sách lại vừa trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Nhưng thách thức đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn còn nguyên, làm thế nào để cơ quan đại diện chủ sở hữu, tuy là đại diện nhưng phải là sở hữu đích thực, cũng của đua, con xót, hạn chế tiến tới loại bỏ được hình thành lợi ích nhóm, người đại diện mưu lợi bằng vốn của người chủ sở hữu.  
Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, không phải là cơ quan của Chính phủ (bộ, cơ quan ngang bộ) nên theo quy định của Luật Ban hành các văn bản pháp luật năm 2015, Ủy ban không có chức năng lập quy. Chức năng này vẫn thuộc các bộ và Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, nên việc ban hành văn pháp pháp quy liên quan đến hoạt động của Ủy ban và 19 DNNN lớn có chất lượng hơn và kịp thời hơn so với hiện hành còn bỏ ngỏ. 
Ủy ban quyết định những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình khi thực thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vẫn phải chờ đợi, đôi khi kéo dài do phải phối hợp với các bộ tổng hợp như về nhân sự là Bộ Nội vụ, vốn, tiền liên quan đến Bộ Tài chính, Ngân hàng, đấu thầu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Và việc hoạch định quy hoạch, chiến lược liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của 19 DNNN lớn vẫn phải lấy ý kiến của 5 Bộ nêu trên. 
Tiếp tục giải quyết 12 dự án thua lỗ, yếu kém thuộc Bộ Công Thương có tới 9 dự án của Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Hóa chất….còn phức tạp và kéo dài và không loại trừ xuất hiện thêm những dự án thua lỗ, yếu kém mới.