Vận chuyển hàng hóa gặp khó thời đại dịch

16:07 | 28/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ việc quy định không thống nhất đến việc phải đi đường vòng, thông quan hàng loạt chốt kiểm soát đã lưu thông các loại hàng hóa trở nên ách tắc.

Dân lái xe kêu khổ vì quy định "mỗi nơi một kiểu" 

Bất chấp việc Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký văn bản chỉ đạo về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19 gửi các Bộ và địa phương. Trong đó nêu rõ yêu cầu các địa phương không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển các mặt hàng thiết yếu trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. 

Chỉ tiến hành kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra hiện tượng phương tiện "chôn chân" hàng giờ đồng hồ để qua chốt kiểm dịch trên các tuyến đường vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng dù có thẻ ưu tiên “luồng xanh" và giấy xét nghiệm COVID-19 vẫn diễn ra. 

Vận chuyển hàng hóa gặp khó thời đại dịch - ảnh 1

Hình ảnh phương tiện xếp hàng dài tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Theo phản ánh của Báo Chính phủ, thậm chí còn xuất hiện tình trạng không thống nhất về yêu cầu giấy xét nghiệm y tế âm tính với COVID-19. Mỗi địa phương lại có thời hạn khác nhau, không đồng bộ. Đơn cử, Bình Dương, TPHCM quy định 3 ngày; Long An quy định 5 ngày và Đồng Nai quy định 7 ngày... Bên cạnh đó, tỉnh thì yêu cầu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên (test nhanh), nơi khác lại yêu cầu kết quả âm tính bằng PCR đã gây khó khăn lái xe khi vận chuyển hàng hóa.

Vận chuyển hàng hóa trễ lại không đáp ứng được nhu cầu của người dân đã đè nặng áp lực lên những công ty vận tải. Ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết nhiều doanh nghiệp ằng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ những đợt bùng phát dịch lần trước. 

Tp.HCM: Nhà bán lẻ gặp khó 

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải "kêu", đến lượt các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tai Thành phố Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. 

Theo Báo Lao động, từ hôm 26/7 thì nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ đã phản ánh việc tìm kiếm shipper gặp nhiều khó khăn do nhiều người tắt ứng dụng hoặc hạn chế nhận đơn hàng vì các trạm kiểm soát trong thành phố khiến họ gặp nhiều trở ngại. Bất đắc dĩ, hệ thống siêu thị Aeon đã quyết định tạm ngừng hoạt động kênh bán hàng online. 

Bên cạnh Aeon, hệ thống MM Mega Market rút ngắn thời gian tiếp nhận đơn hàng online, chỉ nhận đơn hàng đến 15 giờ mỗi ngày; siêu thị Emart thì thông báo sẽ đóng hệ thống luân phiên và chỉ giao hàng trong nội bộ quận Gò Vấp.

Tắc nghẽn hệ thống cũng làm ảnh hưởng đến cả các DN sản xuất - cung ứng mặt hàng thực phẩm thiết yếu. 

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết nhân viên của công ty chở trứng gà/vịt đi giao cho siêu thị, cửa hàng đã không qua được chốt kiểm soát, phải quay về. "Đặc biệt là các chốt kiểm soát ở khu vực quận 7, dù tài xế có thẻ công ty, có hóa đơn mua hàng của siêu thị, cửa hàng nhưng vẫn buộc quay về trong khi siêu thị, cửa hàng điện thoại hối liên tục". 

Quy định shipper giờ không được ra khỏi quận, huyện đã gây mệt mỏi cho rất nhiều doanh nghiệp, tình trạng thiếu hàng cục bộ đã xuất hiện tại một số điểm. Nhiều cửa hàng đã gặp trục trặc trong khẩu tiếp nhận hàng hóa. 

Hiện các doanh nghiệp đang rất mong mỏi chính quyền thành phố đưa ra biện pháp cho những vấn đề này. 

Hà Nội: Tranh cãi việc cấm shipper công nghệ giao hàng 

Được biết, Thủ đô đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 6h sáng ngày 24/7 trong đó có quy định tạm dừng các hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và "xe ôm", kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper) như Grab, Be, Gojek, MyGo, FastGo. 

Sở GTVT Hà Nội sẽ giao trách nhiệm giao hàng thiết yếu sẽ do siêu thị, bưu chính viễn thông tổ chức để đảm bảo phòng dịch vì đó là "lực lượng shipper có quản lý". 

Trước quyết định trên, Grab Việt Nam đã phải lên tiếng phản hồi, cho đó là thiếu hợp lý. Theo đại diện doanh nghiệp này, khi chính quyền Hà Nội đang hết sức hạn chế việc người dân đổ xô tới các siêu thị, địa điểm mua sắm, làm tăng cao nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thì những dịch vụ giao hàng như GrabFood, GrabExpress, GrabMart có thể hỗ trợ đắc lực cho người dân, cơ quan chức năng trong giai đoạn giãn cách.

Grab lập luận rằng thời gian qua dịch vụ giao hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa đi chợ hộ khi đi vào hoạt động đã đáp ứng tốt nhu cầu đang tăng cao của người dân về hàng hóa thiết yếu hằng ngày. 

Cho nên doanh nghiệp này đề nghị cho shipper được hoạt động và cam kết đủ năng lực thực thi phương án hoạt động dịch vụ giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu qua ứng dụng. Đồng thời đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Nhưng hiện tại, chính quyền thành phố vẫn giữ nguyên quy định trên, chỉ cho phép thêm dịch vụ giao hàng của các sàn thương mại điện tử được phép hoạt động với lý do nhằm đảm bảo tối đa an toàn, tránh lây nhiễm mùa dịch. 

H.S

Xem thêm: Nâng công dụng thực phẩm chức năng phòng COVID-19, thừa cơ trục lợi?