Vẫn khó xác định tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công

15:50 | 20/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trước đòi hỏi khắt khe từ thị trường nhập khẩu, cùng với việc Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU, việc sử dụng gỗ hợp pháp có tính chất “sống còn” đối với doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước.

Để tăng cường cho doanh nghiệp chế biến gỗ sự chủ động thích ứng và kiểm soát nguồn nguyên liệu của mình, sáng 20/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  đã tổ chức hội thảo Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam thảo luận về thực trạng pháp luật, thực tiễn và thách thức trong thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) về hiện trạng cơ chế kiểm soát gỗ hợp pháp trong quy trình đấu thầu cũng như thực tiễn mua sắm sản phẩm gỗ của các đơn vị sử dụng vốn Nhà nước, qua đó, gợi ý giải pháp để Chính phủ thực hiện hiệu quả cam kết VPA/FLEGT.

Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã có hiệu lực từ ngày 01/6/2019. Cam kết cốt lõi của Hiệp định này là “bảo đảm gỗ hợp pháp” - theo đó tất cả sản phẩm gỗ ở Việt Nam, bao gồm cả gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều phải là gỗ hợp pháp.

Vẫn khó xác định tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công - ảnh 1
 Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập,VCCI. Ảnh DNVN/Hương Lan.
Theo cam kết này của VPA/FLEGT, với tư cách là nhóm “khách hàng” lớn trong tiêu dùng sản phẩn gỗ trên thị trường nội địa, Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm sản phẩm gỗ được mua sắm bằng vốn Nhà nước là gỗ hợp pháp. Đây là một thách thức lớn, bởi hiện chưa có cơ sở đầy đủ nào để xác định liệu sản phẩm gỗ mua sắm công ở Việt Nam có phải là gỗ hợp pháp hay không.
Nhìn nhận về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập, VCCI cho biết: “Trách nhiệm của Nhà nước đóng vai trò quan trọng hàng đầu, trong vai trò quản lý và tiêu thụ. Vai trò quản lý, bảo đảm gỗ lưu thông trên thị trường nội địa và xuất khẩu là gỗ hợp pháp, tổ chức thiết lập và vận hành VNTLAS; kiểm soát việc của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ. Vai trò người tiêu dùng, bảo đảm gỗ mua sắm bằng vốn Nhà nước là gỗ hợp pháp, xây dựng cơ chế chính sách pháp luật; kiểm soát việc tuân thủ của bên mời thầu và nhà thầu”.
Theo Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập, hiện các loại gỗ nguyên liệu được sử dụng bao gồm: 7% gỗ rừng tự nhiên trong nước, 20% gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu, 33% gỗ rừng trồng trong nước, 27% gỗ rừng trồng nhập khẩu và 20% từ một số nguồn gỗ khác. Trong đó, đối với gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu, 74% doanh nghiệp từng sử dụng gỗ quý nhóm I-II, gỗ hương, cầm lai, gõ đỏ, căm xe, lim, chò, dổi, trắc, đinh, sến, táu, gụ…; đối với gỗ rừng tự nhiên trong nước, 50% doanh nghiệp từng sử dụng gỗ quý nhóm I-II, gỗ trắc, hương, gụ, gõ, căm xe…
Vẫn khó xác định tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công - ảnh 2
 Vẫn khó xác định tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, có một lượng đáng kể sản phẩm gỗ mua sắm công là gỗ có rủi ro về tính hợp pháp. Mặc dù các đơn vị mua sắm đã có sự quan tâm nhất định tới gỗ hợp pháp; các nhà thầu đã bước đầu tự nhận thức được tầm quan trọng của gỗ hợp pháp nhưng chưa biết về quy định mới về gỗ hợp pháp theo VPA/FLEGT. Chưa đủ cơ chế pháp luật để kiểm soát gỗ hợp pháp trong quy trình đấu thầu mua sắm công; chưa có yêu cầu cụ thể về gỗ hợp pháp trong các hồ sơ mời thầu; có tồn tại một số lượng gỗ rủi ro cao về tính hợp pháp trong thực tế mua sắm công đồ gỗ.
Do đó, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam hiện nay không chỉ gặp khó khăn trong xuất nhập khẩu đối với thị trường quốc tế, mà ngay trong thị trường nội địa cũng đang gặp không ít khó khăn. Vì vậy, bà Trang cho rằng, cần một yêu cầu pháp luật rõ ràng về hàng hóa, dịch vụ, trong mua sắm công phải hợp pháp; cần các hướng dẫn riêng cho đơn vị mời thầu về gỗ hợp pháp trong mua sắm đồ gỗ; cần thông tin cho doanh nghiệp, nhà thầu về yêu cầu gỗ hợp pháp.
Còn bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Giám đốc trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu, nhấn mạnh: “Để đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công tại Việt Nam, cần có sự phối hợp tự nguyện giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Hàng hóa nào cũng có đặc thù riêng, vì vậy, giải pháp trước mắt là cần thiết ban hành thông tư hay sổ tay hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc mua bán sản phẩm gỗ, sau đó bắt buộc triển khai trong thực tiễn”.
Bên cạnh đó, theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách (Forest Trends), để chính sách đi vào thực tế và có hiệu quả, đòi hỏi có sự tham vấn rộng rãi với các bên liên quan, như các cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, đại diện cộng đồng doanh nghiệp hiện đang cung cấp các sản phẩm gỗ cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội đại diện cho cộng đồng.