Vắng bóng công nhân, robot trong một nhà máy tại khu công nghệ cao TP HCM cứ 4,5 giây lại cho ra một sản phẩm

Thành Vũ 06:16 | 07/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời của Mỹ - SolarEdge đang sản xuất với dây chuyền tự động hoá tại nhà máy duy nhất ở Đông Nam Á, thuộc khu công nghệ cao TP HCM.

 

SolarEdge được thành lập năm 2006 tại Mỹ bởi nhà sáng lập Guy Sella cùng nhóm cựu chiến binh. Trong những năm đầu tiên, doanh nghiệp này tập trung vào phát triển các thiết bị biến tần năng lượng mặt trời. Hãng niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2015. 

 

Biến tần điện mặt trời là thiết bị giúp chuyển đổi dòng điện một chiều từ tấm pin quang năng thành dòng điện xoay chiều. Đây là một phần trong hệ thống năng lượng mặt trời. Từ năm 2018, SolarEdge mở rộng quy mô với các thương vụ mua lại như công nghệ hệ thống truyền động xe điện, lưu trữ năng lượng, máy chế tạo chính xác...

 

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có sự hiện diện của nhà máy SolarEdge. Tại Việt Nam, cơ sở sản xuất của SolarEdge được đặt tại khu công nghệ cao SHTP tại thành phố Thủ Đức, TP HCM. Các sản phẩm chính bao gồm: Biến tần mặt trời (Inverter) và bộ tối ưu công suất Optimizer.

 

Hầu hết dây chuyền sản xuất của SolarEdge đều được tự động hoàn toàn với các robot hỗ trợ lắp ráp sản phẩm. Lao động con người chỉ tham gia những công việc cơ bản như sắp xếp sản phẩm vào các kệ hàng riêng biệt, theo dõi quá trình vận hành của máy móc, đóng gói...

 

Theo chia sẻ từ lãnh đạo nhà máy, tuỳ thuộc vào từng công đoạn, trình độ yêu cầu ở người lao động là khác nhau, song cần đáp ứng thông thạo máy vi tính để thực hiện điều khiển, ghi nhận số liệu... SolarEdge đang tiến tới hoàn thiện dây chuyền đóng gói bằng robot, qua đó tự động hoá toàn bộ các khâu.

 

Cơ sở sản xuất của SolarEdge đã hoạt động tại Việt Nam hơn 5 năm với khoảng 100 nhân viên, kỹ sư và đội ngũ chăm sóc khách hàng.

 

Nhà máy "neo người" của SolarEdge tại Việt Nam được vận hành nhờ dây chuyền tự động hoá. Tại SolarEdge, trung bình cứ 4,5 giây sẽ sản xuất ra một bộ tối ưu công suất Optimizer và 1,5 phút sẽ sản xuất ra một bộ biến tần mặt trời.

Tuỳ thuộc vào lượng linh kiện, nhà máy có thể tạo ra sản lượng từ 10.000 - 40.000 thiết bị/ngày. Nhà máy của SolarEdge đã hiện diện 5 năm tại Việt Nam và đang trong quá trình mở rộng dây chuyền. Các bo mạch cũng được nhà máy này lắp ráp trực tiếp và chuyển qua các dây chuyền khác để lắp ráp.

Trong quá trình này, nếu phát hiện bất cứ sản phẩm lỗi nào, SolarEdge sẽ cho dừng lắp ráp để điều tra nguyên nhân, tránh việc sản phẩm gặp lỗi hàng loạt.

 

Các sản phẩm đều được kiểm tra kỹ lưỡng ở từng bước sản xuất để hạn chế tối đa lỗi có thể xảy ra. Quá trình ra mắt sản phẩm mới được thực hiện bao gồm các giai đoạn alpha và beta nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm trong các môi trường được kiểm soát, sau đó thu thập dữ liệu và phản hồi thực tế từ khách hàng.

Theo ông Gyula Varga, Giám đốc Chất lượng Sản phẩm của SolarEdge Việt Nam, sản phẩm trước khi đưa ra thị trường sẽ được kiểm tra lần cuối qua các khâu như quang học trực quan, chụp CT X-Ray, kiểm tra trong mạch, kiểm tra chức năng, kiểm tra trên điện áp cao,...

 

Mô hình mô phỏng điều kiện thực tế của SolarEdge cho phép thử nghiệm liên tục phần bo mạch ở nhiệt độ -27 độ C và 110 độ C để kiểm tra khả năng chống chịu của sản phẩm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Việc thử nghiệm này được thực hiện nhiều lần với phần bo mạch để đảm bảo sản phẩm có thể đáp ứng vòng đời lên tới 25 năm.

Do quy định về thiết bị điện tử trong nhà máy, ảnh được đội ngũ SolarEdge cung cấp.