Vasep: Thị trường xuất khẩu thủy sản khó hồi phục trước cuối năm 2023

Tố Uyên 07:53 | 22/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù tổng trị giá xuất khẩu thuỷ sản vẫn giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng những tín hiệu phục hồi trong tháng 5 đã cho thấy một triển vọng khởi sắc hơn cho ngành thuỷ sản trong những tháng cuối năm 2023.

Nguyên nhân cho sự sụt giảm xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng đầu năm

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chính trong 5 tháng đầu năm nay đều giảm từ 10-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra giảm sâu nhất với 40%, tôm giảm 34%, cá ngừ giảm 31%, mực bạch tuộc giảm 12%. Tuy nhiên, vẫn có một số loại cá biển ghi nhận tăng trưởng dương như cá cơm tăng 53%, cá nục tăng 14%, cá chỉ vàng tăng 20%...

 

Xét về thị trường, hầu hết thị trường chính đều sụt giảm ở mức 2 con số như Mỹ với 48%, EU 33%, sang Trung Quốc giảm 25%, sang Hàn Quốc giảm 21%, sang Nhật Bản giảm 8%.

Theo phân tích từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), có 3 nguyên nhân lớn nhất khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ đầu năm tới nay giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tiên là lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm. Thêm vào đó, cạnh tranh căng thẳng với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ… Ngoài ra, sức khỏe và sức chịu đựng của bà con nông ngư dân và doanh nghiệp thủy sản suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vay vốn để duy trì sản xuất…

Xuất khẩu thuỷ sản sẽ dần hồi phục vào cuối năm?

Xung đột chính trị và biến động giữa các nước lớn trên thế giới là căn nguyên cho những biến động cung - cầu. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp thuỷ sản, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, hoặc nếu có thì sẽ phục hồi chậm.

Ở một số thị trường lớn như Mỹ, EU, ngoài việc trông đợi tình hình kinh tế và lạm phát có chiều hướng tích cực hơn, thì vấn đề lớn là phải giải quyết được lượng tồn kho. Năm 2022 những thị trường này đã nhập khẩu ồ ạt, lại gặp thêm lạm phát nên hàng tồn nhiều, giá bán hạ. Bên cạnh đó, hàng giá rẻ của các nước khác như Ecuador và Ấn Độ gần như lấn át sản phẩm của Việt Nam tại những quốc gia này, nhất là mặt hàng tôm – sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Do đó, tín hiệu thị trường không mấy khả quan trong ngắn hạn.

Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị sụt giảm nhu cầu vì lạm phát, nhưng không giảm sâu như hai thị trường trên. Nhiều doanh nghiệp đã có những triển vọng lạc quan hơn, nhất là khi hàng giá trị gia tăng Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Vì thế, chỉ cần lạm phát dần ổn định, xuất khẩu sang 2 thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại.

Với riêng Trung Quốc, trái với sự kỳ vọng là "điểm đến tiềm năng trong năm 2023", sau khi nước này mở cửa lại sau Covid. Tuy nhiên, sau gần nửa năm, sự hồi phục của thị trường này khá chậm, thậm chí bị sụt giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022. Vasep phân tích này, dịch bệnh kéo dài, thu nhập người dân giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng,... là những yếu tố khiến nhu cầu thực tế chưa thể phục hồi trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc cần tập trung cho việc khôi phục sản xuất và ngành chế biến xuất khẩu thủy sản của họ.

Tuy nhiên, nửa cuối năm, có thể diễn biến của thị trường này sẽ khả quan hơn so với đầu năm, khi người dân Trung Quốc thích nghi hơn với bối cảnh mới, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và tiêu dùng cơ bản sẽ hồi phục dần dần.

Về phía doanh nghiệp, đa phần đây là khoảng thời gian xem xét, rà soát lại chi phí sản xuất, không mở rộng đầu tư. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp giành thời gian nghiên cứu các sản phẩm mới cho phù hợp với bối cảnh thị trường hậu Covid và lạm phát cao.

Điển hình như tại Vĩnh Hoàn (mã: VHC) đã quyết định đa dạng hoá danh mục sản phẩm thuỷ sản, phát triển sản phẩm mới như surimi và thanh cua làm từ cá tra, tận dụng tối đa phụ phẩm từ chế biến cá tra fillet,... Những sản phẩm này sẽ có giá thành phù hợp hơn với tầng lớp thu nhập thấp, góp phần hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận nói chung. 

Một vài đơn vị khác thì quay về thị trường truyền thống, tận dụng tối đa lợi thế khoảng cách vị trí địa lý để giảm bớt chi phí vận chuyển, logistics. Tập trung vào mặt hàng có giá trị cao như tôm các loại, Minh Phú (mã: MPC) kỳ vọng chuyển dịch sang khu vực Châu Á với hại thị trường khách hàng tiêu thụ lớn sau Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tập trung sản xuất các sản phẩm chiế biến sâu với giá trị tăng cao - thế mạnh của doanh nghiệp. 

Nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là, chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và doanh nghiệp nuôi bỏ ao, sẽ dẫn đến hệ lụy là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, dẫn đến nguy cơ thuỷ sản mất vị thế. 

Vasep "hiến kế" giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp thủy sản

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, vấn đề vốn và lãi suất ngân hàng khiến việc duy trì sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Do đó, Vasep đề xuất điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II và quý III, tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, Vasep cũng đề suất các giải pháp giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng BHXH và thời điểm đóng BHXH; Các vướng mắc trong quy định,...

Gói tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản có thể vượt 10.000 tỷ đồng

Ngày 25/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi làm việc về tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản…

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng đang ở trong giai đoạn khó khăn. Trong khu vực sản xuất, các ngành lâm sản, thuỷ sản có tỷ trọng xuất khẩu lớn nên bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình kinh tế thế giới cũng như sức cầu suy giảm của thị trường nội địa. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản định hướng chỉ đạo NHNN nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lâm sản – thủy sản nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất này.

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, thời gian qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn khôi phục phát triển sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lâm sản, thủy sản, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất. 

Ngay từ đầu năm NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, chỉ đạo tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành (với mức giảm 0,5-1,5%/năm) trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Đối với đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản, Phó Thống đốc cho rằng gói tín dụng này vẫn còn nhỏ và không giải quyết hết được những khó khăn hiện nay. Do đó, phải có cơ chế để hỗ trợ xử lý, khắc phục ngay chứ không giới hạn ở con số 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với việc phải cố gắng duy trì và triển khai các gói vay hạn mức, hạ lãi suất và phí, giãn hoãn, cơ cấu nợ,...và chủ động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.