'Xuất khẩu thuỷ sản cuối quý III sẽ phục hồi tương đương năm 2022'
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin từ quý III/2022, ngành thuỷ sản đã thấy rõ những khó khăn, thách thức khiến cho sản xuất – xuất khẩu tăng trưởng chậm lại so với nửa đầu năm. Năm 2023, vẫn còn đó những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản xuất khẩu.
“Kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu hàng hoá và thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu so với năm 2022. Lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản. Thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng.
Cả doanh nghiệp và bà con nông ngư dân đều khó tiếp cận vay vốn trước thực trạng các ngân hàng đóng hết các room tín dụng, không giải ngân. Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành trong thời gian tới, dẫn đến đình trệ sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, chế biến và Xuất khẩu. Thẻ vàng IUU vẫn chưa được tháo gỡ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU” - Thứ trưởng nhấn mạnh những thách thức toàn ngành sẽ gặp phải trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chia sẻ bên lề hội nghị, Thứ trưởng cho biết ngành thuỷ sản đang phục hồi, số lượng đơn hàng xuất khẩu đang tăng, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tăng ca để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Dự kiến cuối quý III, xuất khẩu sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2022. Đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD cả năm. Các doanh nghiệp nên chú ý thêm mảng có tỷ trọng lợi nhuận cao là thức ăn chăn nuôi thủy sản, thay vì chỉ tập trung vào chế biến xuất khẩu như hiện nay" - thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.
Cùng với nhận định toàn ngành sẽ dần khởi sắc, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cũng cho hay nửa cuối năm nay, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn, đơn hàng tăng dần phục vụ cho các kỳ hè và lễ cuối năm. Tuy nhiên, ông Hòe đưa ra dự báo xuất khẩu cả năm 2023 chỉ dừng ở mức 9-10 tỷ USD do nhiều yếu tố khó lường.
Trao đổi thêm với phóng viên bên lề hội nghị, ông Hòe phân tích tại thị trường Mỹ, xét về lượng hàng nhập khẩu đã có dấu hiệu phục hồi. Còn xét về giá trị vẫn tăng trưởng âm vì đơn giá giảm. Tuy vậy, đáy của thị trường đã qua nên DN cũng đỡ vất vả hơn. "Trong những tháng khó khăn, cái được nhất của doanh nghiệp thủy sản là bảo đảm được việc làm cho người lao động. Đó là cơ sở để 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu" - ông Hòe nói.
Về tiềm năng các thị trường, trong phân tích ngành thuỷ sản mới đây, chứng khoán VNDirect dự báo nhu cầu thủy sản của Mỹ (1 trong 4 thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của thủy sản Việt Nam) có thể sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát giảm, mức tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm. Mức tăng có thể lên tới 40-50% so với 6 tháng đầu năm. Hiện, đã có dấu hiệu phục hồi của thị trường này trong tháng 5, khi giá cá tra xuất khẩu bình quân có xu hướng tăng và lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, với CPI tháng 5 là 4,9%, mức tăng so với cùng kỳ thấp nhất trong hai năm qua và thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Trong bối cảnh lạm phát cao, nhu cầu tiêu thụ cá tra ổn định đang giúp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giữ thị phần ở EU. Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU đạt 60 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Với những số liệu này cho thấy, xuất khẩu cá tra và tôm sang Trung Quốc đang sụt giảm mạnh hơn nhiều so với xuất khẩu các mặt hàng này sang EU và Mỹ.
“Giá thịt heo điều chỉnh mạnh và nguồn cung cá rô phi tăng trở lại làm giảm nhu cầu tiêu thụ cá tra. Trong khi đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường tỷ dân phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước có nguồn tôm giá rẻ như Ấn Độ, Ecuador...”, VNDirect nhận định.