Vay 5.900 lượng vàng SJC 'không có khả năng thanh toán', tài sản CTCP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn còn lại gì?
Cụ thể, Sacombank rao bán khoản nợ hơn 1.768 tỷ đồng của APT với mức giá khởi điểm chỉ 846 tỷ đồng. Khoản nợ này có nợ gốc 530 tỷ đồng được hình thành từ năm 2009. Ngân hàng không thông tin chi tiết về các tài sản đảm bảo cho khoản nợ.
Theo tìm hiểu, các gói tín dụng do Thuỷ hải sản Sài Gòn vay tại Sacombank từ năm 2009 gồm một hợp đồng vay hạn mức 103 tỷ đồng và một hợp đồng vay bằng vàng với hạn mức 5.833 lượng vàng SJC.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính của APT, hợp đồng tín dụng với hạn mức 103 tỷ đồng có thời hạn 12 tháng (từ năm 2009 đến 2010) với lãi suất 12%/năm.
Hợp đồng thứ hai có hạn mức 5.833 lượng vàng SJC, tương đương hơn 249 tỷ đồng theo giá vàng vào cuối năm 2020. Hợp đồng này cũng có thời hạn 12 tháng (từ 2009 đến 2010) với lãi suất 10,8%/năm.
Cả hai hợp đồng này quá hạn nhưng công ty chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Trong đó, số dư nợ gốc khoản vay bằng vàng đã tăng lên hơn 435 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Đề cập lý do chưa thanh toán nợ quá hạn, APT cho biết do "không có khả năng thanh toán".
APT kinh doanh ra sao?
Tính đến hết tháng 7, APT mới chỉ có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, với ý kiến ngoại trừ khi APT lỗ lũy kế tới 1.354 tỷ đồng.
Năm 2023, APT có doanh thu 247 tỷ đồng doanh thu thuần. Lỗ luỹ kế cả năm 136 tỷ đồng. Số lỗ luỹ kế tính đến hết năm 2023 lên đến hơn 1.300 tỷ đồng, trong khi vốn chủ ở mức 88 tỷ đồng. Đề cập đến vấn đề này, ban lãnh đạo APT cho biết, khoản 16 lỗ luỹ kế này thực chất là khoản lỗ do phát sinh lãi vay phải trả ngân hàng Sacombank của những năm 2008 trở về trước. Từ năm 2010 đến hết năm 2023, Công ty đã từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định.
Về tình hình tài chính, khoản tiền mặt và tiền gửi gần 44 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tài sản ngắn hạn. Hàng tồn kho còn gần 40 tỷ đồng.
Tổng số nợ phải trả là 1.435 tỷ đồng, lớn gấp 16 lần vốn điều lệ công ty, trong đó tổng số nợ quá hạn thanh toán lên tới 1.415 tỷ đồng. Riêng nợ quá hạn liên quan đến ngân hàng chiếm đến 1.374 tỷ đồng.
Các vấn đề nêu trên cùng với những vấn đề APT đề cập liên quan đến các khoản vay quá hạn tại Sacombank cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty, kiểm toán nêu ý kiến.
Về khoản nợ phải thu khó đòi tính đến 31/12.2023 hơn 110 tỷ đồng, công ty cho biết đây là nợ phát sinh từ năm 2009 trở về trước, đã được trích lập dự phòng 100% và đã khởi kiện ra TAND, Thi hành án yêu cầu thanh toán nợ. Với mọi giải pháp và nỗ lực, trong năm 2023 cũng như nhiều năm qua Ban Điều hành Công ty tiếp tục đeo bám để giải quyết các hồ sơ đã khởi kiện, đang thi hành án, các vụ việc đang thi hành án có khả năng thu nợ rất thấp do những người phải thi hành án không còn tài sản hoặc không có khả năng trả nợ, có trường hợp người nợ đã qua đời không để lại di sản thừa kế.
Đối với các vụ việc người phải thi hành án có tài sản nhưng tài sản đã thế chấp cho Ngân hàng để bảo đảm vay nên các tài sản này phải được ưu tiên khi thanh lý trả cho các khoản vay của ngân hàng, sau khi đã trả xong cho ngân hàng thì mới đến các chủ nợ khác. Mặt khác, thường các khoản vay ngân hàng của các bị đơn thường cao hơn giá trị hiện tại của các tài sản bảo đảm nên rất khó để thanh toán số tiền nợ cho APT.
Nhìn lại dữ liệu kết quả kinh doanh, có thể thấy doanh nghiệp lỗ triền miên nhiều năm nay. Cổ phiếu doanh nghiệp này cũng đang trong diện hạn chế giao dịch khi vốn chủ sở hữu âm, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp.