VDSC: Chi phí trích lập dự phòng ước tăng vọt lên 1.100 tỷ góp phần 'ăn mòn' lợi nhuận quý II của VIB

Diên Vỹ 15:27 | 12/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
VDSC ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2024 của VIB giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2.500 tỷ đồng khi chi phí trích lập dự phòng dự báo tăng vọt 26% lên mức gần 1.100 tỷ và chi phí hoạt động cũng lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.

 

Trong quý I/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hơn 5.318 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo đó, mặc dù thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 4.000 tỷ, nhưng bù lại, các nguồn thu ngoài lãi, đặc biệt là Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lại tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 290 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 28 tỷ đồng.

Dù tổng thu nhập hoạt động tăng, nhưng do sự tăng mạnh của chi phí trích lập rủi ro (tăng 41% lên 945 tỷ đồng) và chi phí hoạt động (tăng gần 20% lên 1.871 tỷ đồng), lãi trước thuế quý I của VIB chỉ đạt 2.502 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ 2023.

Dự báo cho quý II tới, chuyên viên phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng Tổng thu nhập hoạt động của VIB quý II/2024 sẽ đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ 2023 ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 5.364 tỷ đồng). 

Giả định chính cho kịch bản này là thu nhập lãi thuần quý II của VIB đạt khoản 4.000 tỷ, giảm 9% so với cùng kỳ. 

Trong đó, tăng trưởng tín dụng ước đạt khoảng 3% (quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt khoảng 0,75%). Theo đó, VDSC kỳ vọng các sản phẩm vay thế chấp BĐS và hộ kinh doanh là hai sản phẩm đóng góp phần lớn cho sự cải thiện về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý II khi nhu cầu đầu tư, mua BĐS để ở và kinh doanh có xu hướng phục hồi khả quan hơn nhờ nền lãi suất thấp cùng chính sách cho vay ưu đãi hơn. 

Ngược lại, nhu cầu vay tiêu dùng của nhóm khách hàng cá nhân có thể chưa sớm phục hồi, thể hiện qua dư nợ tín dụng của các sản phẩm vay mua ô tô và thẻ tín dụng lần lượt giảm 6% và 3% trong quý I/2024.

 Ảnh: VDSC

Theo đó, NIM (theo quý) của quý II kỳ vọng đạt 3,9% (giảm 0,9 điểm % so với cùng kỳ 2023 và giảm 0,1 điểm % so với quý I/2024) do VIB đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu tín dụng trong quý II và ưu đãi đối với tiền gửi tiết kiệm đối với khách hàng cao cấp và khách hàng mới từ tháng 6/2024.

 Ảnh: VDSC

Cùng đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ dự kiến tăng trưởng 5% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ dịch vụ thanh toán tăng trưởng 10% trong khi thu nhập phí từ Banca dự kiến giảm 10%.

Với kịch bản tổng thu nhập hoạt động đi ngang, chuyên viên VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế quý II của VIB sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, đi ngang so với quý I/2024 và giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực từ (1) chi phí trích lập dự phòng (ước tính tăng 26% so với cùng kỳ) và (2) chi phí hoạt động sau khi mở rộng về số lượng nhân sự và mạng lưới đơn vị kinh doanh (ước tính tăng 10% so với cùng kỳ) trong khi Tổng thu nhập hoạt động đi ngang.

Quý II/2023, VIB ghi nhận chi phí trích lập dự phòng tín dụng 860 tỷ đồng và chi phí hoạt động 1.556 tỷ đồng. Với mức tăng như trên, tương ứng VDSC ước tính trong quý II/2024, chi phí trích lập dự phòng tín dụng của VIB có thể lên tới gần 1.100 tỷ đồng và chi phí hoạt động lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.

Cho cả năm 2024, VDSC điều chỉnh giảm 8% dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm của VIB về mức 9.400 tỷ đồng (tức tăng 10% so với 2023), phản ánh NIM (dồn 4 quý) dự phóng ở mức 4,2%, tức giảm 0,5 điểm % so với 2023.