Vệ tinh “made in VietNam” lên đường sang Nhật Bản, chuẩn bị phóng lên vũ trụ

07:00 | 12/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano với trọng lượng khoảng 4kg. Đây là mẫu vệ tinh được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu và phát triển.

Ngày 11/8, TTXVN dẫn nguồn tin từ Tiến sỹ Lê Xuân Huy, Phó giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, vệ tinh của Việt Nam - NanoDragon sẽ được JAXA (Nhật Bản) phóng lên quỹ đạo vào khoảng thời gian trước tháng 3/2022.

Cũng theo nguồn tin trên, NanoDragon đã được chuyển đi từ Sân bay Nội Bài đến sân bay Narita, Tokyo. Sau đó vệ tinh sẽ được chuyển về bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima để bàn giao cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật bản (JAXA), Nhật Bản.

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng khoảng 4 kg với kích thước 3U (100x100x340,5 mm). Đây là sản phẩm của Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020".

Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh này được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC.

Vệ tinh “made in VietNam” lên đường sang Nhật Bản, chuẩn bị phóng lên vũ trụ - ảnh 1

Vệ tinh NanoDragon

Sau thời gian nghiên cứu thiết kế và chế tạo đến nay vệ tinh này đã hoàn thiện, được tích hợp và thử nghiệm chức năng ở mức hệ thống. Tức là các thành phần của vệ tinh đã được kết nối hoàn chỉnh và chuyển sang bước thử nghiệm tổng thể. Đây là bước kiểm tra cuối cùng trước khi phóng, cũng là 1 bước vô cùng quan trọng trong phát triển phần cứng.

Từ ngày 9/3/2021 đến ngày 9/4/2021, vệ tinh đã hoành thành thử nghiệm môi trường trước phóng tại Trung tâm thử nghiệm Vệ tinh nhỏ thuộc Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản.

Trước đó, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được Cơ quan Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lựa chọn là 15 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vào năm 2021 theo chương trình chùm vệ tinh thử nghiệm công nghệ lần 2 của Nhật Bản, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quá trình kiểm tra những bước cuối cùng được thực hiện bởi 1 cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang làm nghiên cứu sinh  tại học viện công nghệ Kyushu, Nhật Bản phối hợp với các cán bộ trong nước thông qua công cụ trực tuyến.

Song song với quá trình phát triển vệ  tinh là công tác thiết kế xây dựng và lắp đặt tạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng. Trặt mặt đất này chuẩn bị hoàn thành phần lắp đặt tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và sẽ chuyển sang vận hành thử nghiệm.

Vệ tinh “made in VietNam” lên đường sang Nhật Bản, chuẩn bị phóng lên vũ trụ - ảnh 2

Lộ trình phát triển công nghệ vệ tinh tại Việt Nam. Ảnh: VNSC.

Sau khi phóng thành công, vệ tinh được thiết kế hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520 km. Vệ tinh có hai nhiệm vụ chính: Thứ nhất, tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển; và thứ 2 là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo. 

Việc phát triển NanoDragon tại Việt Nam là bước tiếp theo trong mục tiêu lam chủ công nghệ vệ tinh nhỏ tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất.

Trước NanoDragon, VNSC cũng đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon chỉ nặng 1kg, đây là vệ tinh nhỏ nhất trong chương trình chế tạo vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam, nó được phóng lên quỹ đạo và thu được tín hiệu vào năm 2013.

Nói về ý tưởng làm vệ tinh PicoDragon, PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Công nghệ Việt Nam kể lại: “Ý tưởng ấy xuất phát từ năm 2007. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, nếu chúng ta cứ đi mua vệ tinh thì chi phí có thể rẻ hơn nhưng mãi mãi chúng ta không thể tự làm ra nó. Không thử làm sao biết mình không làm được. Vậy là tôi và nhóm cộng sự bắt tay vào làm. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là những chuyên gia về công nghệ vũ trụ, chưa được đào tạo chuyên sâu về công nghệ vệ tinh. Chúng tôi vừa làm vừa mày mò, tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về quy trình phát triển vệ tinh. Phải mất tới 7 năm, ý tưởng đó mới thành hiện thực”.

Ông Tuấn cho biết thêm, thực hiện ý tưởng này không chỉ khó khăn về mặt công nghệ, trình độ con người mà chi phí cũng rất tốn kém. Để sản xuất được vệ tinh siêu nhỏ này chi phí rơi vào khoảng 80 nghìn đến 90 nghìn USD tương đương khoảng 1,8 đến 2 tỷ VNĐ. Nhưng đó mới chỉ là những chi phí sản xuất, chưa kể chi phí phóng.

Phải nhấn mạnh là, PicoDragon là vệ tính siêu nhỏ, kích thước 10x10x11,35 cm với khối lượng 1kg. Và nó là sản phẩm của những nhà khoa học Việt Nam cùng với sự trợ giúp của các chuyên gia Nhật Bản. Đây là vệ tinh thử nghiệm đầu tiên của Việt Nam hoạt động thành công trên không gian. Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh trái đất, đo đạc một số thông số về môi trường vũ trụ và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. Vì là vệ tinh thử nghiệm nên PicoDragon chỉ có tuổi thọ 3 tháng kể từ khi được đưa vào hoạt động.

Sau dự án PicoDragon, nhóm nghiên cứu gồm 36 cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản cũng chế tạo thành công vệ tinh microDragon có kích thước 50x50x50 cm nặng 50kg với kinh phí chế tạo trên 5 triệu USD.

Lúc 8 giờ 55 phút ngày 18/1/2019, vệ tinh này đã tách khỏi tên lửa Epsilon-4 của Nhật Bản để đi vào quỹ đạo và bắt đầu làm việc trong không gian. Mục đích chính của vệ tinh này là phục vụ đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thuỷ sản theo dõi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ.

Còn việc phát triển vệ tinh nhỏ NanoDragon lần này tại Việt Nam là bước tiếp theo nhằm hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ. Tất nhiên rằng, nếu so sánh với các cường quốc đi đầu về công nghệ vũ trụ Việt Nam dường như không có tên trên bản đồ. Nhưng với việc làm chủ được công nghệ lần này sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam tự tin hơn trong việc khám phá và chinh phục không gian.

Theo những đánh giá của Nasa, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5 đến 10% tổng thiệt hại do thiên tai gây ra, tương đương với khoảng 0,05% GDP. Do đó việc làm chủ công nghệ vệ tinh là công việc thiết yếu để Việt Nam có thể chủ động trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu.

Sau khi từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế chế tạo các loại vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ, Việt Nam sẽ phát triển các loại vệ tinh có công nghệ radar tiên tiến hơn như LOTUSat-1, dự kiến phóng vào năm 2023. Đây là vệ tinh có khối lượng khoảng 570kg, sử dụng công nghệ radar có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm.

Dữ liệu ảnh thu về từ LOTUSat-1 sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách của Việt Nam về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó với các thảm hoạ thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, dự án đồng thời đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao giúp Việt Nam từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh có khối lượng lớn hơn. 

H.A

Xem thêm: Huawei chuẩn bị phóng vệ tinh thử nghiệm để xác minh công nghệ 6G