Vì một thập niên phát triển bền vững hơn
Hội nghị nhằm chia sẻ các giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển nguồn vốn con người, xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, thúc đẩy các mô hình kinh tế bền vững giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.
Những giải pháp này cũng được kỳ vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực cho nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 với tầm nhìn và chính sách mới nhằm đưa đất nước tiến xa hơn tới một thập kỷ phát triển bền vững hơn.
Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề về: Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030 - mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu; Quan hệ đối tác công tư: Nhu cầu thực tiễn và định hướng chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững; Nguồn vốn nhân lực: Chỉ số vốn con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp Nhà nước trong dài hạn.
Cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư mạnh mẽ hơn
Đại diện Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giúp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn nữa; cũng như sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP để thay đổi mô hình PPP như hiện nay. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thay đổi cách thức quản lý và nâng cao năng lực để tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, thu hút các nhà đầu tư mới.
Thu hút thêm nữa sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục
Ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình phát triển con người khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho biết: Việt Nam đang thực hiện tốt các Chỉ số vốn nhân lực nhưng cũng đang phải đối mặt với 2 thách thức chính trong việc đảm bảm nguồn nhân lực chất lượng cao. Để vượt qua thách thức này, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động. Đại diện WB cũng đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là cải cách các chương trình mục tiêu quốc gia; cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để từ đó tạo nên kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Thể chế hóa, luật hóa kinh tế tuần hoàn
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2050 tổng khối lượng rác thải nhựa thải ra biển sẽ nhiều hơn tổng khối lượng cá. Riêng tại Việt Nam các báo cáo của WB chỉ ra rằng ô nhiễm không khí đang khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP năm 2013 và ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại 3,5% GDP vào năm 2035.
Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ giúp các quốc gia giải quyết bài toàn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hiện Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện đem lại hiệu quả nhất định như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ... Với việc thúc đẩy quá trình tái chế rác thải của các ngành này sẽ trở thành nguồn nguyên liệu của những ngành khác, đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tới 6,5 triệu USD/năm. Chẳng hạn như mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến không thải rác ra thiên nhiên do VCCI khởi xướng, sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang….
“Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới, cần thể chế hóa, luật hóa kinh tế tuần hoàn, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động”, theo TS. Nguyễn Hoàng Nam đề xuất.