Vi phạm công bố thông tin giao dịch cổ phiếu, 2 thành viên Ban kiểm soát Cường Thuận IDICO bị xử phạt
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với bà Vũ Thị Thúy (Địa chỉ: 01A2/280, KP3 phường Long Bình Tân, Biên Hòa, Đồng Nai) và bà Đầu Thị Huyền (Địa chỉ: 24, An Hòa 2, phường An Bình, Biên Hòa, Đồng Nai) do báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch cổ phiếu.
Cụ thể, bà Thuý bị xử phạt 22,5 triệu đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3, Điểm g Khoản 4 Điều 27 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 108/2013/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 và Khoản 35 Điều 1 và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP (Nghị định số 145/2016/NĐ-CP).
Vì đã có hành vi báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch, khi mua 1.000.000 cổ phiếu CTI từ ngày 04/10/2019 đến ngày 14/10/2019. Tuy nhiên đến ngày 31/10/2019, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của bà Vũ Thị Thúy.
Tương tự như với bà Thuý, bà Huyền cũng bị xử phạt 22,5 triệu đồng, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3, Điểm g Khoản 4 Điều 27 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 và Khoản 35 Điều 1 và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP.
Vì đã có hành vi không báo cáo đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch, khi mua 1.000.000 cổ phiếu CTI từ ngày 04/10/2019 đến ngày 14/10/2019. Tuy nhiên, đến ngày 30/10/2019, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của bà Đầu Thị Huyền.
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, bà Thuý và bà Huyền đều là thành viên Ban kiểm soát Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (mã chứng khoán: CTI).
Từ doanh nghiệp bê tông trở thành “ông lớn” BOT và bất động sản
Theo thông tin từ Tạp chí Nhà Đầu Tư, Cường Thuận IDICO tiền thân là công ty TNHH Cường Thuận được thành lập năm 2000 bởi bà Trương Hồng Loan. Lúc đầu công ty này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông.
Năm 2007, Cường Thuận IDICO chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, đồng thời xin gia nhập làm thành viên Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) và chính thức đổi tên thành CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO như hiện nay.
Năm 2010, là năm đánh dấu sự phát triển mới của Cường Thuận IDICO, khi công ty này đã niêm yết 15 triệu cổ phiếu CTI tương đương với 150 tỷ đồng vốn điều lệ lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Kể từ đó, Cường Thuận IDICO dần chuyển sang lĩnh vực BOT và bất động sản, cùng nhiều hoạt động kinh doanh khác và liên tục gặt hái được nhiều thành công.
Về BOT, Công ty Cường Thuận IDICO được biết tới là 1 trong các nhà đầu tư dự án BOT giao thông lớn của cả nước, với các dự án tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Dự án BOT Quốc lộ 1 tuyến tránh TP.Biên Hoà; Dự án BOT Quốc lộ 91 và 91B (Cần Thơ – An Giang); Dự án BOT Quốc lộ 16; Dự án BOT nút giao đường 319 và Cao tốc TPHCM - Long Thành; Dự án BOT đường chuyên dùng tại xã Phước Tân và xã Tam Phước (TP.Biên Hòa).
Tuy nhiên, trong các dự án trên, có 1 số trạm thu phí sau khi đi vào hoạt động đã bị tài xế phản đối. Điển hình nhất là trạm thu phí T2 Quốc lộ 91. Trạm thu phí này chỉ đi vào hoạt động được thời gian ngắn giữa năm 2019, sau đó bị tài xế phản đối nên dừng thu phí từ cuối tháng 5/2019 tới nay.
Về bất động sản, ngoài các dự án bất động sản nhà ở, dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, Thuận Cường IDICO đang lấn sân sang bất động sản khu công nghiệp nhằm đón đầu làn sóng của sự dịch chuyển nguồn vốn FDI, các công trình cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành, bằng đầu tư 2 dự án là cụm công nghiệp Tân An - huyện Vĩnh Cửu (48.82 ha, có thể mở rộng lên 75 ha) và Phước Bình - Long Thành (bao gồm Khu công nghiệp Phước Bình 3 và 4, có diện tích lần lượt 249 ha và 520 ha) tại tỉnh Đồng Nai.
Tính đến cuối quý II/2021, báo cáo tài chính của Cường Thuận IDICO cho thấy, quy mô tài sản, nguồn vốn của công ty đạt 4.701,7 tỷ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm. Trong cấu trúc nguồn vốn, nợ vay đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.911,5 tỷ đồng, chiếm 61,9%. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 2,24 lần. Riêng trong nửa đầu năm 2021, giá trị nợ vay của Công ty đã tăng thêm 156,4 tỷ đồng.
Dư nợ dự báo còn tăng lên khi nhiều dự án bất động sản, hạ tầng đang xây dựng dở dang và chi phí lãi vay không còn được vốn hóa, mặc dù có đến 92,5% khoản vay của Công ty là nợ vay dài hạn, trong đó có tỷ trọng đáng kể là các khoản vay để tài trợ cho các dự án BOT có thời gian trả nợ dài và được đảm bảo dòng tiền từ thu phí.