Nhiều doanh nghiệp sẽ không tăng lương, trả thưởng cho nhân viên trong cuối năm 2021?
Theo đó, VnExpress dẫn nguồn từ tổ chức chuyên về Anphabe cho biết, năm 2020 có 80% doanh nghiệp chọn cách cố gắng trả thưởng cho người đi làm nhưng chỉ 52% trong số đó có thể trả thưởng như dự kiến. 20% người lao động bị cắt thưởng hoàn toàn, tập trung nhiều ở các ngành bị tác động nặng nề nhất do COVID-19 là du lịch - hàng không; ẩm thực, nghỉ dưỡng, quảng cáo, truyền thông và giải trí.
Đây là kết quả khảo sát của do tổ chức này thực hiện với 50 doanh nghiệp và trên tổng số 54.271 người đi làm tại Việt Nam.
Một nội dung đáng chú ý khác là sau quãng thời gian chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, hiện phần lớn công ty đều cho biết chưa có kế hoạch tăng lương năm sau cho nhân viên. Vào năm 2020 thì có tới 33% người đi làm cho biết họ được tăng lương, (chủ yếu ở các doanh nghiệp nước ngoài), với mức tăng trung bình 8%. 47% số lao động còn lại mức lương không thay đổi, 20% chia sẻ rằng họ bị giảm lương, tập trung nhiều hơn ở khối doanh nghiệp Việt Nam với mức giảm trung bình 15%.
Nhiều người lao động trả lời rằng họ chấp nhận giảm lương khi doanh nghiệp khó khăn, điều chỉnh mức lương khoảng 3-10%. Tuy nhiên, khảo sát lưu ý rằng mức giảm này chỉ nên áp dụng khi thực sự cần và vẫn phải có sự trao đổi.
Phân tích các số liệu liên quan đến lương thưởng, khảo sát ghi nhận những biến chuyển trong nhu cầu và tâm lý của người đi làm. Báo cáo chỉ ra điều đáng lưu tâm với các nhà quản lý rằng người lao động được tăng lương nhiều hơn chưa chắc đồng cảm hơn với chính sách lương thưởng của công ty. Ngược lại, khó khăn vẫn có thể kích thích sự cho đi và mong muốn cống hiến của họ.
Trước đó, trong một khảo sát Nguồn nhân lực Hạnh phúc cũng do Anphabe thực hiện vào năm ngoái đã chỉ ra nhiều vấn đề đáng chú ý về các tiêu chí về nơi làm việc lý tưởng của người lao động Việt Nam. Trong đó, các yếu tố liên quan đến lương thưởng và cơ hội phát triển đã giảm xuống, các tiêu chí về chất lượng công việc & cuộc sống xuất hiện và bắt đầu gia tăng cho thấy xu hướng thấy người đi làm ngày càng chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe thể chất và tinh thần tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, yếu tố về lãnh đạo & quản lý (bao gồm vai trò của sếp, tầm nhìn truyền cảm hứng và chiến lược tương lai rõ ràng) cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn gắn bó với một công việc của người đi làm trong 2020.
Do đó, từ nhiều nghịch lý và xu hướng mới nêu trên khiến những nhà quản lý và nhân sự phải suy nghĩ xem liệu chính sách thưởng trên diện rộng thời gian qua có thực sự hiệu quả hay không. Đồng thời, trong bối cảnh khó khăn với nguồn lực có hạn, làm thế nào để khơi gợi động lực cống hiến của nhân viên và giữ chân họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cũng là bài toán khó.
Doanh nghiệp làm sao để giữ chân người lao động?
Theo giới chuyên gia, bối cảnh bình thường mới sau COVID-19, có quá nhiều xáo trộn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào. Điều này ảnh hưởng tới kế hoạch nhân sự cũng như giữ chân người lao động.
TS Seng Kiat Kok - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và bộ môn Khởi nghiệp Đại học RMIT trả lời báo chí rằng ông còn quan sát thấy một số thay đổi khác trong quản lý lực lượng lao động.
Các nhà quản lý cấp cao nhận ra tác động của đại dịch đối với các chỉ số đánh giá hiệu suất công việc (KPI) truyền thống đối trọng với các mục tiêu đảm bảo sức khỏe tâm lý và thể chất. Do đó, xu thế mới hiện nay là thay vì tập trung vào đo lường số giờ làm việc của nhân viên hoặc kết quả đầu ra theo giờ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc nhân viên có đạt được mục tiêu mà bộ phận/tổ chức đặt ra hay không. Các doanh nghiệp này vẫn đạt được kết quả đặt ra song sẽ linh hoạt và nhận thức rõ hơn về bình thường mới
Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Minh Thư, giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực và ngành Khởi nghiệp tại Đại học RMIT lại cho biết, nhằm thu hút người lao động quay lại làm việc, doanh nghiệp cần thông tin rõ ràng đến nhân viên về chiến lược và kế hoạch đảm bảo giảm thiểu rủi ro COVID-19 trong môi trường làm việc, cũng như cách họ kiểm soát các ca nhiễm và quy tắc ứng phó khi dịch bùng phát.
Đồng thời, tập trung vào vấn giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chú ý đầu tư vào chương trình bảo hiểm y tế cho nhân viên để giữ chân lao động. Ngoài ra, kết hợp làm việc trực tiếp và trực tuyến, làm việc theo ca để giảm thiểu tình trạng tập trung đông người cũng là nước đi được nhiều doanh nghiệp áp dụng để tạo môi trường lao động an toàn.