Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Hà Lan 11:24 | 29/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

Đề xuất 65.000 tỷ đồng

Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng; trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn có tổng mức đầu tư ước tính 138.000 tỷ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn với tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, gói tín dụng do Bộ Xây dựng đề xuất là 65.000 tỷ đồng. Trong số này có gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 bao gồm: Cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ giao cho bộ việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể và kế hoạch thực hiện.

Còn gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng vay như: công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.

Hình thức cho vay tín dụng là Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại (các ngân hàng thương mại được chỉ định) cho vay hỗ trợ các đối tượng thuộc chương trình.

Các ngân hàng thương mại cho vay đối với khách hàng là các đối tượng thuộc chương trình này theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng và các quy định do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn. Đồng thời, ngân hàng sẽ có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, nhưng không vượt quá 6%/năm trong 5 - 15 năm.

Theo Bộ Xây dựng, các đối tượng được vay là công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của luật Nhà ở.

Bộ cũng kiến nghị bổ sung thêm nhiều giải pháp và cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2023.

“Vốn mồi” kích cầu phát triển

Đánh giá về đề xuất gói tín dụng đối với thị trường bất động sản nhiều chuyên gia đồng tình và cho rằng đây là “vốn mồi” cần thiết tạo động lực cho nhà ở xã hội phát triển trong thời gian tới.

Từ thực tiễn khi triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng những năm trước đây cho thấy, vai trò của nguồn “vốn mồi” ngân sách là rất lớn đối với việc phát triển nguồn cung nhà ở giá thấp. Tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho chương trình (ngày 31/12/2016), doanh số giải ngân của Chương trình là 29.679 tỷ đồng đạt 98,93% số tiền dự kiến, cả chủ đầu tư và trăm nghìn người mua nhà đều được hưởng lợi.

Cùng với đó, gói tín dụng 30.000 tỷ cũng góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm nhà ở có giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu thực, hạn chế các sản phẩm bất động sản đầu cơ, giá cả vượt quá mức thu nhập trung bình của người dân. Tạo sức lan tỏa giúp cho thị trường bất động sản tan băng, thông qua đó người dân có thể mua bán, giao dịch bất động sản thuận lợi, cải thiện điều kiện về chỗ ở, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng, giảm nợ xấu…

Tuy nhiên chuyên gia cũng cho rằng, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đó, nếu đề xuất được Chính phủ chấp thuận thì việc bố trí vốn cần phải được thực hiện nhanh bởi việc chậm trễ bố trí nguồn vốn ngân sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội chính là điểm nghẽn lớn nhất khiến hàng loạt các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại các thành phố lớn chậm tiến độ và bị đội giá xây dựng, phát sinh chi phí, ăn mòn lợi nhuận khiến các dự án nhà ở xã hội không thu hút được doanh nghiệp đầu tư.

 

Tăng kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến nhà ở xã hội

Thời gian qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung cũng như các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động..., theo Bộ Xây dựng.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú) nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp,

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, về lâu dài, Bộ Xây dựng cho biết đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp trong thời điểm trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp và tập trung triển khai một số giải pháp.

Cụ thể theo Bộ Xây dựng khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Đồng thời có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Bộ cũng đề nghị địa phương nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.

Đáng chú ý, Bộ cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.