Vì sao cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II?
Lợi nhuận tăng trưởng, cổ phiếu lao dốc
Theo báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý II/2021 do Trung tâm phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) công bố, hầu hết các ngân hàng đều ước có lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã ck: CTG) ước đạt 5.000 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của CTG sẽ đạt 13.000 tỉ đồng, tăng 74% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Tương tự như Vietinbank, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2021 đạt 1.650 tỉ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 2.800 tỉ đồng, tăng mạnh 187% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý II
Còn với Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB) mặc dù tăng trưởng tín dụng đầu năm dự kiến chậm hơn so với các ngân hàng khác do hạn mức tín dụng được cấp ban đầu thấp hơn, nhưng tăng trưởng so với cùng kỳ tương đối đáng kể với khoảng 19%, giúp tăng trưởng thu nhập lãi thuần ổn định ở mức 19-20% so với cùng kỳ năm trước.
Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã ck: BID) cũng được ước tính có lợi nhuận trước thuế quý II/2021 với 3.850 tỉ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng tín dụng 7% so với đầu năm (cao hơn mức tăng 2,35% trong 6 tháng đầu năm 2020).
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã ck: TCB) trong quý II cũng ước đạt lợi nhuận trước thuế 5.700 tỉ đồng tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng ước tính có lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 dự kiến tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái ngược với những tín hiệu tích cực từ lợi nhuận, ở trên sàn chứng khoán cổ phiếu ngành ngân hàng đồng loạt lao dốc mạnh khiến toàn bộ 26 mã trong nhóm đang niêm yết trên HNX, HSX và giao dịch trên UPCoM đều giảm giá.
Điển hình như trong phiên giao dịch ngày 12/7, cổ phiếu CTG giảm sàn 7% xuống 35.000 đồng/cp, VBB giảm 14% xuống 15.400 đồng/cp, OCB giảm sàn 7% xuống 27.400 đồng/cp; HDB cũng có thời điểm giảm sàn nhưng sau đó hồi phục. Nhiều cổ phiếu khác như VCB cũng giảm 2,1%, TCB giảm 3,7%, ACB giảm 3,7%, BID giảm 4%...
Tính đến ngày 12/7, giá trị vốn hoá của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã “bốc hơi” 241,038 tỷ đồng, chỉ còn hơn 1.72 triệu tỷ đồng, tương đương giảm đến 12% so với mức hơn 1.97 triệu tỷ đồng của phiên đỉnh 02/7.
Giảm mạnh nhất là vốn hóa của CTG (-34%), kế đến là MBB (-31%) và BVB (-21%). Ngay nhóm quốc doanh còn lại cũng giảm như VCB cũng giảm 7% và BID (-11%).
Vì sao giảm?
Theo nhận định của ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của MBS trên Tạp chí Tài chính và Cuộc sống, các ngân hàng sau thời gian duy trì đáng kể mặt bằng lãi suất huy động thấp thì hiện tại đã bắt đầu có sự gia tăng lãi suất huy động. Trong khi buổi họp Ngân hàng Nhà nước cho biết thông tin sẽ hạ mặt bằng lãi suất cho vay thì có thể hiểu rằng, biên lợi nhuận của ngân hàng có khả năng bị giảm, rõ ràng điều này sẽ gây tác động đến thị trường.
Yếu tố thứ 2 khiến cổ phiếu ngân hàng lao dốc là do liên quan đến việc định giá, trong thời gian qua, ngân hàng là nhóm cổ phiếu tăng nóng được định giá khá cao. Cụ thể, có một số ngân hàng có chỉ số P/B tầm 2.5-3 lần, khá cao so với quy mô và mức tăng trưởng lợi nhuận. Do đó, khi thị trường có diễn biến xấu, thì mức định giá này rất nhạy cảm và dễ chịu biến động lớn.
Đồng quan điểm như trên, trả lời báo chí chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá nóng trong thời gian qua, lợi nhuận tăng cũng đã phản ánh vào giá. Ngoài ra nhiều ngân hàng đã công bố kết quả quý II không như mong đợi do bùng phát dịch COVID lần thứ 4.
Theo vị chuyên gia này, hầu hết nhà đầu tư dường như “làm lơ” trước việc cổ phiếu ngân hàng tăng như thế là do thị trường đẩy giá lên, chứ thật ra tình hình của các ngân hàng không khả quan như nhà đầu tư mong muốn.
Nền kinh tế gặp khó khăn như thế này, thì việc ngân hàng gặp nợ xấu là việc hiển nhiên sẽ xảy ra. Các ngân hàng báo lãi lớn một phần do tăng trưởng tín dụng rất nhanh, một phần nữa là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ và không trích lập dự phòng rủi ro đúng với thực tế, cho nên lợi nhuận ngân hàng “phình lên”. Các nhà đầu tư nhìn vào con số ngân hàng báo lãi cao nên đổ xô vào mua cổ phiếu được gọi là "cổ phiếu vua", và cổ phiếu của các ngành nghề khác cũng được hưởng lợi theo. Thế nhưng nhà đầu tư phải hiểu một điều, chứng khoán phải là hàn thử biểu của nền kinh tế.
Với số ngân hàng đã báo lãi lớn trong quý II sẽ có thể giúp cũng cố niềm tin của nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, mặc dù trong đó có lãi ảo đáng lẽ phải trích lập dự phòng. Nhưng dù sao ngân hàng cũng là một lĩnh vực kinh tế nổi trội hơn các lĩnh vực khác, giúp cũng cố niềm tin của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần cẩn thận với chỉ số P/E, nếu lên quá cao thì sẽ là dấu hiệu giá cổ phiếu bắt đầu lao dốc.
Cổ phiếu ngân hàng sẽ ra sao sau nửa cuối năm 2021?
Nhận định về tiềm năng cổ phiếu nhóm ngân hàng trong tháng cuối năm 2021 các chuyên gia tài chính cho rằng với độ phủ hiện nay của vaccine, nền kinh tế thế giới sẽ dần thích ứng với trạng thái bình thường mới và các nền kinh tế lớn sẽ đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại. Việt Nam hiện đang tăng tốc triển khai tiêm vaccine nhằm chống lại đại dịch COVID-19; Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan cũng như tạo tiền đề để ngành dịch vụ phục hồi bền vững hơn.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cho đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất tiền gửi gần như không thay đổi. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân ở mức 5,7% vào cuối tháng 5/2021, tương đương mức cuối năm 2020. Ngân hàng Nhà nước đang tích cực có chính sách điều hành chính sách tiền tệ sát với thực tế và kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao hơn về cuối năm và các ngân hàng thương mại cần duy trì mức lãi suất hấp dẫn để cạnh tranh huy động vốn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Dự báo lãi suất tín dụng sẽ duy trì ở mức ổn định cho đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Với những dự báo trên, khả năng sau đợt điều chỉnh mạnh này nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm…
H.A (t/h)
Xem thêm: Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh