Vì sao Cộng hòa Síp tạm ngừng chương trình đổi tiền lấy quốc tịch?
Ngày 13/10, người phát ngôn chính phủ Cộng hòa Síp - Kyriakos Koushos cho biết, nước này sẽ tạm dừng chương trình cho phép người nước ngoài dùng tiền mua quốc tịch. Quyết định tạm dừng chương trình được mệnh danh là "Hộ chiếu vàng" sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11.
Chương trình này của Cộng hòa Síp được triển khai từ năm 2013 cấp hộ chiếu cho người nước ngoài quyền cư trú và quyền công dân nếu họ đầu tư tối thiểu khoảng 2 triệu euro vào quốc gia này. Chương trình đã thu về cho nước này khoảng 7 tỷ euro, trong đó chủ yếu là những người có quốc tịch Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp Síp - George Savvidis cho biết, nước này có thể mở một cuộc điều tra về các tội hình sự có thể xảy ra. "Những gì đã được mạng lưới tin tức Al Jazeera đăng tải trong vài giờ qua đang gây ra sự phẫn nộ, tức giận và lo ngại trong dân chúng", tuyên bố của ông viết.
"Hộ chiếu vàng" của Cyprus mà rất nhiều người nước ngoài khát khao. Ảnh: London Daily
Hôm 12/10, Al Jazeera đã phát đi một tài liệu cho thấy người phát ngôn Quốc hội Síp là Demetris Syllouris và một thành viên Quốc hội là Christakis Giovanis (còn được gọi là Giovani) sẵn sàng tiếp tay cho những tội phạm bị kết án có được hộ chiếu thông qua Chương trình Đầu tư Quốc tịch (CIP).
Sau thông báo hôm thứ 3 của chính phủ nước này, Syllouris cho biết ông sẽ thoái nhiệm kể từ ngày 19/10 cho đến khi các cuộc điều tra của chính phủ hoàn tất.
Trước đó, vài tuần trước đó, Al Jazeera đã công bố loạt bài điều tra "Hồ sơ Cyprus" (The Cyprus Papers) - một kho lưu trữ gần 1.400 tài liệu cho thấy Quốc đảo Síp đã cấp hộ chiếu cho những tên tội phạm bị kết án ở nước họ và những người bị Interpol truy nã trong những năm trước.
Theo Chương trình Đầu tư Quốc tịch (CIP), bất kỳ ai có đủ khả năng đầu tư ít nhất 2,5 triệu đô la vào nền kinh tế Síp, thường là thông qua bất động sản, đều có thể nhận được hộ chiếu nước này, cho phép người đó có quyền như một công dân EU.
Chương trình này thường xuyên bị Liên minh Châu Âu và các tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng chỉ trích, cho rằng chương trình này làm tăng nguy cơ rửa tiền thông qua các tổ chức tài chính của Châu Âu.
Trước đó, hồi tháng 8/2020, việc ông Phạm Phú Quốc - ĐBQH TP HCM khóa XIV có tên trong danh sách người có hộ chiếu của đảo Síp thu hút sự chú ý trên truyền thông.
Mức giá để mua quyền công dân tại Quốc đảo Síp được bài báo nêu là khoảng 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 58 tỷ đồng). Những người này sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Trả lời trên báo giới, ông Quốc thừa nhận có quốc tịch đảo Síp vào năm 2018 và quốc tịch của ông do "gia đình bảo lãnh", đang tiến hành các thủ tục để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Theo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua vào tháng 6 năm nay, ĐBQH Việt Nam chỉ được phép có 1 quốc tịch. Tuy nhiên, luật này đến 1/1/2021 mới có hiệu lực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ban Công tác đại biểu hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, bãi nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc. Nội dung này đã đưa vào chương trình làm việc và được tiến hành trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra vào tháng 10.
Liên quan đến việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn đầu tư bất động sản tại nước ngoài để mua quốc tịch.
Một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định này là bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản. Theo đó, điều kiện để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài là "nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp".
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc siết điều kiện nói trên nhằm "hạn chế tình trạng cá nhân lợi dụng đầu tư để sở hữu tài sản ở nước ngoài hoặc nhằm mục tiêu định cư" chứ không phải đầu tư kinh doanh.
Dự thảo nghị định lần này bổ sung quy định chỉ các doanh nghiệp mới được đầu tư bất động sản tại nước ngoài. Cá nhân sẽ không được đầu tư kinh doanh bất động sản tại nước ngoài. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh quy định này nhằm tránh tình trạng cá nhân mua bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết, phù hợp và thống nhất với các pháp luật trong nước về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội; đảm bảo cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định nêu trên cũng giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước khi đầu tư ra nước ngoài để hạn chế những rủi ro có thể có như tẩu tán tài sản…
Lệ Vỹ (T/h)