Vì sao người dân Singapore tiêm thêm Sinopharm?

Hà Lan 16:56 | 07/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo ghi nhận, nhiều người từng tiêm 1 liều vắc xin bất hoạt sau khi nhận 2 liều mRNA đã có kết quả kháng thể rất tốt.

Một số phòng khám tư nhân ở Singapore đã ghi nhận nhu cầu tăng vọt đối với vắc xin Sinovac và Sinopharm khi người dân tiêm mũi tăng cường - phần lớn do lo ngại tác dụng phụ từ liều thứ 3 của vắc xin loại mRNA.

Các loại vắc xin như Sinovac và Sinopharm sử dụng virus bất hoạt để dạy hệ miễn dịch con người tạo ra kháng thể chống SARS-CoV-2.

Theo khuyến cáo của Singapore, những người từ 50 tuổi trở lên nên tiêm bổ sung một mũi mRNA từ vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna ít nhất 6 tháng sau khi hoàn thành tiêm 2 liều vắc xin để đảm bảo mức độ kháng thể hiệu quả trong thời gian dài.

Ủy ban Chuyên gia về Tiêm chủng Covid-19 Singapore vẫn đang nghiên cứu khả năng tiêm trộn vắc xin cho liều tăng cường.

Nhiều người dân Singapore đã chọn vắc xin Sinopharm cho mũi tiêm thứ 3.

Trả lời The Straits Times, Tiến sĩ Chua Guan Kiat, bác sĩ đa khoa tại Phòng khám và phẫu thuật y tế Chua ở Bukit Batok, cho biết người dân có "nhu cầu khá lớn" đối với Sinovac và Sinopharm, phần lớn trong số đó đến là những người cao tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ bằng vắc xin mRNA.

Ông cũng cho biết, từ khi phòng khám của ông bắt đầu cung cấp dịch vụ tiêm Sinovac vào ngày 23/9, có 20 đến 30 liều vắc xin tăng cường được tiêm mỗi ngày. Nhu cầu tiêm có khả năng sẽ tăng đều trong bối cảnh những người trên 50 tuổi cũng được khuyến khích tiêm liều tăng cường.

Nhu cầu vẫn tiếp tục tăng 

Bà Michelle Lim, Giám đốc điều hành của Royal Healthcare ở Novena, cho biết phòng khám của bà đã tiêm gần 1.000 mũi tiêm nhắc lại cho đến nay.

"Thời gian tới, một số công ty sản xuất, công ty xây dựng và siêu thị cũng đã sắp xếp với phòng khám để nhân viên của họ được tiêm vắc xin bổ sung Sinopharm với hy vọng hạn chế lây nhiễm tại nơi làm việc" - bà Michelle Lim lưu ý.

Bà Lim cũng cho biết, nhiều người trong số những người đã chọn tiêm Sinopharm cho biết họ đã gặp phải các phản ứng phụ sau khi tiêm 2 liều vắc xin mRNA và hy vọng việc tiêm nhắc lại sẽ nhẹ hơn, trong khi những người khác hy vọng vắc xin Sinopharm có thể cung cấp phổ kháng thể rộng hơn.

Một lý do khác là Cơ quan Quản lý Thực phẩm Hoa Kỳ không khuyến nghị tiêm mũi tăng cường Pfizer cho những người dưới 65 tuổi, vì có những lo ngại rủi ro cao.

Bác sĩ Leong Hoe Nam, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Rophi, cho biết nhiều bệnh nhân đã tiêm cả 2 liều vắc xin Pfizer đã tới yêu cầu tiêm thêm vắc xin Sinopharm.

"Theo ghi nhận, nhiều người từng tiêm 1 liều vắc xin bất hoạt sau khi nhận 2 liều mRNA đã có kết quả kháng thể rất tốt. Kết quả kháng thể tốt nhất vẫn đạt được với liều mRNA thứ 3 là điều không phải bàn cãi nhưng nhiều người không muốn tiếp tục trải qua phản ứng phụ thêm lần nữa", Bác sĩ Leong Hoe Nam cho biết.

Một người đàn ông 57 tuổi họ Loh làm việc trong lĩnh vực xây dựng đã chọn Sinopharm dù được mời đi tiêm vắc xin Moderna. Ông này cho biết đã tiêm 2 liều Pfizer và gặp phản ứng phụ nên muốn tiêm Sinopharm để ít bị tác dụng phụ không mong muốn.

Các vaccine được phê duyệt đều có lợi ích lớn hơn nguy cơ

Mới đây, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sỹ Kidong Park, đã trả lời phỏng vấn về biến thể Delta cũng như hiệu quả của các loại vaccine đối với biến thể này.

Tiến sỹ Kidong Park cho biết, hiện nay, có ít nhất 17 vaccine đã được triển khai, 7 trong số đó đã được WHO phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp.

Những vaccine này là Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.

WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu quả của các vaccine này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine.

Về vaccine Sinopharm, tiến sỹ Kidong Park cho hay, trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vaccine Sinopharm. Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vaccine Sinopharm được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ hai.

"WHO kết luận rằng lợi ích mà vaccine Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra. WHO khuyến nghị sử dụng vaccine Sinopharm dựa trên Lộ trình Ưu tiên của WHO, với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay"- Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Khuyến cáo người dân không nên có tâm lý chờ đợi và lựa chọn vaccine, tiến sỹ Kidong Park phân tích, tất cả các vaccine đã được WHO phê duyệt vào danh sách Sử dụng Khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế. Các vaccine đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do COVID-19 gây ra.

 

Đã tiêm chủng hơn 48,4 triệu liều vaccine Covid-19

Tại Việt Nam, cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia đến trưa ngày 6-10, cả nước đã tiêm hơn 48,8 triệu liều vaccine, riêng ngày 5-10 đã tiêm trên 1,3 triệu liều vaccine.

Bộ Y tế cho biết đến hết ngày 4-10 đã phân bổ 54 đợt vaccine Covid-19 với tổng số 59.223.226 liều.

Tại TP Hồ Chí Minh từ tổ chức điểm tiêm chủng đến hết ngày 5-10, thành phố đã tiêm được 11.821.706 mũi. Trong đó, 4.829.860 người tiêm mũi 2. Số người đã tiêm vaccine Vero Cell là 2.874.539.

Tỷ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 là 97%. Người tiêm đủ 2 mũi là 67%. Người trên 65 tuổi được tiêm hai mũi là 71,1%.