Thanh Hóa chuẩn bị tiêm 200.000 vắc xin Vero Cell cho người lao động
Đối tượng nào sẽ được tiêm trong đợt này?
Căn cứ lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ cho đợt này là 248.000 liều (bao gồm 200.000 liều vắc xin Vero Cell, 48.000 liều vắc xin Astra Zeneca) và để chủ động tổ chức công tác tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch COVID-19, Sở Y tế Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đợt 7 năm 2021.
Đối tượng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 7 tại Thanh Hóa là người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp với số lượng là 200.000 liều vắc xin Vero Cell. Các đối tượng theo kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021 với số lượng 48.000 liều vắc xin Astra Zeneca. Phạm vi triển khai đồng loạt tại 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm chủng do cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng tổ chức theo kế hoạch của các địa phương, bao gồm: Các Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện (kể cả công lập và tư nhân); Trung tâm Y tế; Trạm Y tế; Cơ sở y tế tiêm chủng dịch vụ; Cơ sở y tế các Bộ, ngành... Ngành y tế chủ động bố trí sẵn sàng các tổ, đội cấp cứu lưu động thường trực tại các điểm tiêm chủng với đầy đủ các điều kiện nhân lực, thuốc, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu sẵn sàng xử lý các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng có thể xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiêm chủng.
Đồng thời huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể tại địa phương hỗ trợ công tác tổ chức buổi tiêm chủng, bảo đảm an toàn tiêm chủng, an toàn phòng chống dịch COVID-19, an ninh, trật tự tại tất cả các điểm tiêm chủng.
Mới đây, ngày 12 và 13/9, Trung tâm Y tế TP. Thanh Hoá đã tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID - 19 cho gần 20.000 công nhân một số nhà máy trong các Khu công nghiệp Hoàng Long và Lễ Môn.
Liên quan đến vấn đề triển khai tiêm vắc xin cho người lao động sản xuất công nghiệp, sáng 20/9, tại hội nghị trực tuyến với một số địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu, Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vaccine về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp để làm sao ưu tiên vắc xin cho người lao động sản xuất công nghiệp.
Huy động nguồn lực để phòng chống dịch
Toàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 6 đợt tiêm chủng với 439.530 liều vắc xin, chiếm 88,35% tổng số liều vắc xin được cấp. Về công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân và tiêm chủng vắc xin, đến ngày 18/9, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện xét nghiệm PCR tổng số 244.267 mẫu/101.203 người; thực hiện test nhanh kháng nguyên 736.995 mẫu.
Từ ngày 23/8 đến nay, Thanh Hóa đã vận động ủng hộ được 27.324 triệu động và nhiều hiện vật, gồm 3 ô tô cứu thương, 15 hệ thống xét nghiệm RT-PCR, 29 máy thở chức năng cao và nhiều dụng cụ, phương tiện phòng hộ.
Việc huy động xã hội hóa các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả tích cực, từ ngày 23/8 đến nay, thực hiện Lời kêu gọi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã vận động ủng hộ thông qua MTTQ tỉnh Thanh Hóa trên 27,3 tỷ đồng tiền mặt và nhiều hàng hóa, trang thiết bị y tế trị giá nhiều trăm tỷ đồng, phục vụ công tác phòng, chống dịch của tỉnh Thanh Hóa. Đây là những nghĩa cử nhân văn, thể hiện sức mạnh đoàn kết, tinh thần “Tương thân, tương ái” và tấm lòng cao cả với cộng đồng.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong trạng thái bình thường mới. Triển khai đầy đủ, kịp thời các quy định nhằm bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, áp dụng linh hoạt các phương án “3 cùng”, “1 cung đường 2 điểm đến” với phương châm “An toàn mới sản xuất và sản xuất phải an toàn”.