Thanh Hóa: Ngành kinh doanh dịch vụ “gồng mình” vượt covid-19

15:20 | 28/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Cơn bão” covid ập vào nước ta tính đến thời điểm hiện tại đã hơn 2 năm. Cũng bằng từng ấy thời gian ngành kinh doanh dịch vụ điêu đứng, trì trệ. Nhiều cơ sở không chịu nổi chi phí mặt bằng đã phải đóng cửa, tìm hướng đi mới; số còn lại thì “đâm lao theo lao”, quyết vượt covid.
Dịch COVID-19 kéo dài đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh phải tuyên bố phá sản, cho thuê lại cửa hàng

“Bức tranh” nhiều gam màu tối

Phố Nguyễn Du từng là một dãy phố kinh doanh dịch vụ karaoke có tiếng của TP Thanh Hóa hàng chục quán lớn, nhỏ, luôn đông đúc kẻ đến người đi. Tuy nhiên, từ sau Tết Canh Tý 2020 - Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, việc kinh doanh trở nên khó khăn, lượng khách giảm đi trông thấy. Cứ tưởng sang năm 2021 nhịp sống trở lại bình thường, nhu cầu giải trí của người dân sẽ tăng cao trở lại, thì không, dịch COVD-19 lại bùng phát trở lại, mức độ còn nghiêm trọng hơn 3 lần trước.

Và, điều gì đến cũng phải đến, để phòng, chống dịch hiệu quả, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 25/CĐ-UBND thực hiện các biện pháp cấp bách, quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, đã dừng một số dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19, gồm: quán bar, các cơ sở kinh doanh karaoke, xông hơi, massage, spa, phòng tập gym, yoga, bi-a, các cơ sở cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập Internet. Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ 12h ngày 27/08/2021 cho đến khi có thông báo được hoạt động trở lại.

Nguyễn Du. từng là con phố kinh doanh KRAOKE nổi tiếng ở TP Thanh Hóa n nhưng giờ đây cũng không tránh khỏi cảnh vắng vẻ, ảm đạm. 

Đây đã là lần thứ 4 ngành kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa. Nhiều chủ cơ sở chấp nhận buông xuôi, dừng hẳn kinh doanh để tìm kiếm một nẻo mưu sinh khác. Số còn lại thì cố cầm cự, dùng đủ mọi cách để "lết" qua cơn khủng hoảng.  

Chung cảnh ngộ với lĩnh vực giải trí, các loại hình dịch vụ: Ăn uống, cafe, trà chanh, nước giải khát... cũng rơi vào cảnh điêu đứng, ảm đạm.

Nguyễn Văn Nam, chủ một chuỗi thương hiệu trà chanh có tiếng tại khu vực huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc ngao ngán: “Cứ tưởng rằng khi thời tiết đã bước vào hè, dịch COVID-19 đang được kiểm soát, Nhà nước cũng tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ từ thiết yếu đến không thiết yếu trở lại hoạt động thì dân kinh doanh trà chanh, nước giải khát như chúng tôi sẽ ổn định trở lại, ngờ đâu lại còn khủng hoảng hơn. Ngày trước, trừ thời điểm quán đóng cửa vì dịch, doanh thu trung bình mỗi quán trà chanh của tôi rơi vào khoảng 3 triệu đồng/ngày; bây giờ cố gắng lắm cũng chỉ đạt được con số ít ỏi 1 triệu đồng/ngày. Cứ cái đà tiền thu không đủ chi như thế này thì chắc chắn tôi sẽ phải đóng cửa 2/3 số quán trong chuỗi trà chanh của mình”.

Thay đổi để “sống”

Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát trở lại, anh Lê Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ kraoke Triều Tím (xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã xác định tư tưởng “sống chung với lũ” với chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”. Để duy trì cuộc sống, anh xin làm nhân viên thị trường cho một nhà phân phối thức ăn chăn nuôi gần nhà. Công việc mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng với anh đó là sự lựa chọn khả dĩ nhất trông bối cảnh khó khăn hiện tại. “Đóng quán, nghĩa là nguồn thu nhập chính của cả gia đình tôi bị mất, trong khi các khoản chi để duy trì cuộc sống thì cứ tăng lên mỗi ngày. Tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, không biết đến lúc nào mới  kiểm soát được, thôi thì tìm tạm một công việc mới để làm, đợi dịch thì tính tiếp” – Anh Hưng ngậm ngùi.

Cũng mang tâm thế buộc phải thay đổi để tồn tại như anh Hưng, anh Hoàng Văn Bảy, chủ một Spa có tiếng tại khu vực TP Thanh Hóa cho biết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong mùa dịch hoặc phải thay đổi hoặc sẽ bị những khó khăn của hiện tại “dìm chết”. Hiện tại, anh Bảy đã triển khai mô hình kinh doanh cafe kết hợp với Spa.  “Tôi cho chỉnh chang lại tầng 1 của cơ sở để kinh doanh café, còn Spa thì tôi đưa hết lên tầng 2. Phải tận dụng triệt để không gian, diện tích của nơi mình kinh doanh, có như thế mới tồn tại được” – Anh Bảy giải thích. 

Khu Vincom Thanh Hóa từng là địa điểm kinh doanh "vàng"  với gia thuê đắt đỏ của TP Thanh Hóa giờ cũng rơi vào cảnh điêu đứng, khó khăn. 

Những thay đổi của anh Hưng, anh Bảy, cũng như nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ khác để tồn tại trong mùa dịch là tốt. Điều đó minh chứng cho sự nhanh nhạy, khôn khéo trong sự thích nghi với cuộc sống của người Việt. Dẫu vậy, khi được hỏi về dự định tương lai, hầu hết các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ đều chung lòng mong mỏi dịch COVID-19 nhanh qua, để có thể được làm ăn trở lại. “Mỗi người dân nói chung, đặc biệt là các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cần phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng dịch, chấp nhận hi sinh lợi ích cá nhân vì xã hội, chỉ có như thế, mới hi vọng cuộc sống bình thường trở lại” – Anh Bảy bày tỏ.

Sẽ cần một khoảng thời gian rất lâu nữa để chất lượng cuộc sống, nhịp độ kinh tế mới ổn định trở lại. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí chắc hẳn sẽ còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sẽ không có con đường nào là cụt nếu chúng ta luôn trong tâm thế người mở đường. Hãy vững tin ở một nền kinh tế khởi sắc trong tương lai.