Vì Sao thương hiệu xa xỉ Burberry bị tẩy chay ở Trung Quốc?

12:21 | 27/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi nhãn thời trang Thụy Điển H&M bị tẩy chay thì Burberry đã trở thành thương hiệu xa xỉ đầu tiên bị tẩy chay ở Trung Quốc do liên quan đến phản ứng về vấn đề Tân Cương.
Theo Reuters, Burberry không chỉ mất đại sứ thương hiệu Trung Quốc mà thiết kế kẻ sọc tartan của hãng này cũng đã bị gỡ bỏ khỏi một trò chơi điện tử nổi tiếng.
 
Hôm nay (26/3), Trung Quốc đã tuyên bố trừng phạt các tổ chức và cá nhân ở Vương quốc Anh vì cái gọi là "dối trá và thông tin sai lệch" về Tân Cương. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi London áp lệnh trừng phạt Bắc Kinh vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực phía Tây Trung Quốc.
 
Burberry là thành viên của Sáng kiến bông tốt hơn, một tổ chức nhằm thúc đẩy sản xuất bông bền vững.Trước đó, hồi tháng 11/2020, trong một lá thư gửi các nhà lập pháp Anh, Burberry đã cho biết họ không có bất kỳ hoạt động nào ở Tân Cương hoặc làm việc với bất cứ nhà cung cấp nào ở đó.
 
Nữ diễn viên Trung Quốc Châu Đông Vũ cũng đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng làm đại diện thương hiệu cho Burberry.
 
Burberry là thương hiệu xa xỉ bị tẩy chay ở Trung Quốc
Burberry là thương hiệu xa xỉ đầu tiên bị tẩy chay ở Trung Quốc
 
Trong một bài viết đăng trên weibo, tài khoản chính thức của một trò chơi cũng đã tuyên bố loại bỏ toàn bộ thiết kế kẻ sọc mang tính biểu tượng của Burberry ra khỏi trang phục của các nhân vật trong game nổi tiếng "Honor of Kings" của Tencent. Tuyên bố này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cư dân mạng Trung Quốc.
 
Hiện đại diện Burberry Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Theo website của hãng này,hiện Burberry đang sử dụng bông từ các nguồn như Mỹ, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ai Cập.
 
Chủ đề người nổi tiếng Trung Quốc tuyên bố cắt hợp đồng quảng cáo với các nhãn hiệu quốc tế đang trở thành một trào lưu nóng trên Weibo, đi kèm các hashtag như "Tôi ủng hộ bông Tân Cương", "Các công ty sẽ thua lỗ nếu không sử dụng bông Tân Cương".

Nhà lập pháp Hồng Kông Regina Ip cho biết cô sẽ ngừng mua sản phẩm Burberry.

“Burberry là một trong những thương hiệu yêu thích của tôi, nhưng tôi sẽ ngừng mua các sản phẩm của Burberry. Tôi sát cánh với đất nước của mình trong việc tẩy chay các công ty truyền bá những lời nói dối về Tân Cương”, Regina Ip viết trên tài khoản Twitter của mình.

Hôm 26.3, Anh cho biết Trung Quốc đang nhắm vào những người chỉ trích bằng các lệnh trừng phạt và kêu gọi Bắc Kinh cho phép quốc tế tiếp cận Tân Cương để xác minh sự thật về các vụ vi phạm nhân quyền ở khu vực này.

"Trong khi Vương quốc Anh tham gia cộng đồng quốc tế trong việc xử phạt những người chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền, Chính phủ Trung Quốc trừng phạt những người chỉ trích nước này. Nếu muốn bác bỏ một cách đáng tin cậy những tuyên bố về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Trung Quốc nên cho phép Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tiếp cận đầy đủ để xác minh sự thật", Ngoại trưởng Anh - Dominic Raab nói.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 25/3 cho biết người tiêu dùng đã "phản ứng bằng hành động với các quyết định dựa trên thông tin sai lệch của một số công ty nhất định".
 
Vì Sao thương hiệu xa xỉ Burberry bị tẩy chay ở Trung Quốc? - ảnh 1
Các thương hiệu nổi tiếng đồng loạt bị tẩy chay ở Trung Quốc do vấn đề nguyên liệu ở Tân Cương

"Chúng tôi hi vọng những công ty đó sẽ tôn trọng thị trường và sửa chữa những hành động sai lầm để tránh chính trị hóa các vấn đề thương mại" - phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói.
 
Ông Cao cho rằng bông Tân Cương rất tốt và "không nên là chủ đề để bất cứ thế lực nào bôi nhọ", và rằng Trung Quốc chào đón các công ty nước ngoài đến Tân Cương, sẵn sàng hỗ trợ những công ty quan tâm đến đầu tư hay giao thương với khu vực này.
 
Mới nhất, Trung Quốc ngày 26/3 tuyên bố trừng phạt 4 tổ chức và 9 cá nhân của Anh vì vấn đề Tân Cương. Trước đó, Bắc Kinh ngày 22-3 tuyên bố trừng phạt trả đũa 10 cá nhân tại châu Âu, gồm 5 thành viên Nghị viện châu Âu, và 4 thực thể liên quan đến các biện pháp trừng phạt của EU đối với Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương.

Bộ Ngoại giao cho biết các cá nhân bị nhắm mục tiêu và các thành viên gia đình của họ bị cấm vào lãnh thổ Trung Quốc, đồng nói thêm rằng các công dân và tổ chức Trung Quốc sẽ bị cấm kinh doanh với họ.

Động thái này là sự trả đũa với một loạt các biện pháp trừng phạt phối hợp do Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada áp đặt chống lại Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

 
 
Nguyễn Dung