Việt Nam, Ai Cập phấn đấu sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 1 tỷ USD trong 5 năm tới
Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sang thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Arab Ai Cập đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Cairo, sáng 27/8.
Sáng cùng ngày, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Cairo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi đã tiến hành hội đàm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng đến thăm Ai Cập lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngay sau “Lễ hiến sinh” của người Hồi giáo và đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/9/1963-1/9/2018); cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình và trọng thị mà lãnh đạo và nhân dân Ai Cập đã dành cho đoàn; nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi vào tháng 9/2017.
Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Ai Cập, khẳng định đây là sự kiện chính trị quan trọng, tạo động lực đưa quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới sâu rộng và hiệu quả.
Ai Cập - đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam
Hai nhà lãnh đạo đã thông báo cho nhau tình hình mỗi nước, hài lòng ghi nhận những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian gần đây với việc tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất của Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp tại Ai Cập và tháng 4/2018 nhằm triển khai các kết quả đại được tại Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Ai Cập tháng 8/2017.
Thông qua các cơ chế hợp tác nói trên, đã thống nhất được các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 230 triệu USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhật báo Al-Messa uy tín của Ai Cập cũng đã đăng bài viết của tác giả Reefat Khaled, trong đó đánh giá cao triển vọng hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ai Cập.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đến Ai Cập đầu tư vào các dự án hạ tầng, trong khi giới đầu tư Ai Cập có thể tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Hai nước có nhiều triển vọng hợp tác trong thời gian tới, trong đó có việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau.
Ai Cập làm cầu nối để DN Việt tiếp cận thị trường Trung Đông-châu Phi
Tại cuộc hội đàm cấp cao, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ai Cập tháo gỡ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Ai Cập, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh như hàng nông, thủy sản, vật liệu xây dựng như gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, cá tra, cá basa, gạch Ceramic, đá ốp lát... Sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ để thông qua Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần ký tháng 3/2006 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Ai Cập tiếp cận với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam có thể qua Ai Cập vào thị trường Trung Đông, châu Phi.
Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi khẳng định với vị trí kết nối ba châu lục: châu Á, châu Phi và châu Âu, Ai Cập sẵn sàng làm cầu nối để doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Đông-châu Phi; thúc đẩy sớm triển khai Chương trình “Tiêu chuẩn thương mại Halal,” hỗ trợ đào tạo cán bộ của Việt Nam trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Halal về hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường Hồi giáo nói chung, trong đó có Ai Cập; tăng cường hợp tác song phương trong việc công nhận lẫn nhau về các biện pháp kiểm dịch động, thực vật cho hàng hóa nông sản, thủy hải sản.
Hai bên nhấn mạnh thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, phấn đấu sớm đạt mục tiêu kim ngạch trao đổi thương mại 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Lấy Ninh Bình - Luxor làm tiền đề hợp tác giữa các các địa phương
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện quan trọng giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước, gồm Thỏa thuận Hữu nghị và Hợp tác giữa tỉnh Ninh Bình - tỉnh Luxor, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Dầu lửa và Tài nguyên khoáng sản Ai Cập, Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ai Cập, Bản ghi nhớ về hợp tác phòng vệ thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ai Cập, Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Cung ứng và Nội thương Ai Cập; Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất đai Ai Cập, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Đầu tư và Hợp tác quốc tế Ai Cập, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Ngoại giao Ai Cập.
Bước tiến mới trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ai Cập thông qua chuyến thăm Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tạo nhiều cơ hội và triển vọng to lớn với thị trường khoảng 100 triệu dân ở mỗi nước; tạo thêm lợi thế để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh vào thị trường của nhau cũng như hỗ trợ nhau trong mở rộng thị trường thời gian tới.