Việt Nam có 55 triệu thẻ ATM rác, các ngân hàng sẽ giải quyết thế nào?
Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 55 triệu thẻ ATM rác do "phong trào" mời khách tạo thẻ một thời. Ngân hàng Nhà nước sắp ra quy định để giải quyết số thẻ ngân hàng thừa này.
Thẻ “rác” được hiểu là thẻ ngân hàng không kích hoạt, hoặc kích hoạt rồi nhưng không sử dụng lần nào, không sử dụng nữa trong một thời gian dài. Theo thống kê của Hội Thẻ, Việt Nam hiện nay có khoảng 55 triệu thẻ ngân hàng rác không được sử dụng.
Nguyên nhân cho số lượng thẻ ma này chủ yếu do các ngân hàng đua nhau phát hành thẻ để cạnh tranh mở rộng thị trường, mở rộng thị phần. Nhiều ngân hàng mở chương trình ưu đãi, khuyến mãi để chèo kéo khách hàng mở thẻ đủ các hình thức. Mỗi chủ tài khoản có thể bị mời làm một lúc 2, 3 thẻ ngân hàng dù không thật sự có nhu cầu sử dụng.
Hiện nay, các doanh nghiệp dần đều chuyển sang phương thức trả lương người lao động qua thẻ ngân hàng. Ví dụ nếu một doanh nghiệp có hàng nghìn lao động thay đổi ngân hàng chi trả lương thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ có hàng ngàn thẻ ATM không sử dụng đến thẻ đó nữa.
Thực tế, các ngân hàng đều có quy định loại bỏ thẻ rác như thẻ quá thời hạn không kích hoạt sẽ bị hủy. Nhưng nhìn chung số lượng thẻ rác vẫn còn rất lớn.
Hiện nay trung bình mỗi người Việt sở hữu một thẻ ngân hàng
Trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 47/2014 mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đã có nội dung để giải quyết tình trạng này. Theo đó, dự thảo quy định các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi, loại bỏ hoặc vô hiệu hóa các tài khoản không sử dụng, hết hạn sử dụng, không hoạt động trong khoảng thời gian tối đa 90 ngày. Những tài khoản ở trong trạng thái không kích hoạt trong một khoảng thời gian cũng phải bị vô hiệu hóa.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng yêu cầu các ngân hàng phải áp dụng biện pháp giúp tăng tính bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ, giảm thiểu rủi ro an ninh mạng. Cụ thể, người dùng truy cập vào tất cả thành phần hệ thống thanh toán thẻ phải được xác thực bằng ít nhất một trong các phương thức: mã khóa bí mật, thiết bị kết nối, thẻ xác thực và sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt,..).
Ngân hàng phải siết chặt các phương thức mã hóa và giao thức bảo mật an toàn khi người dùng truyền thông tin có liên quan đến thẻ và tài khoản ngân hàng qua mạng kết nối với bên ngoài (mạng Internet, mạng không dây, mạng truyền thông di động và các mạng khác). Đây là những quy định phù hợp với sự phát triển chung của xã hội trong thời đại số hóa. Tổ chức tín dụng mỗi năm ít nhất một lần phải xem xét công nghệ phần mềm để cập nhật và đảm bảo các tiêu chí bảo mật.
Thông tư cũng sẽ siết chặt công tác bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng của ngân hàng
Dự thảo quy định chi tiết số thẻ ngân hàng, dù là loại nào (nội địa hay quốc tế, trả trước hay trả sau,...) đều phải được che giấu phù hợp khi hiển thị. Số thẻ đầy đủ chỉ được một số nhân viên tổ chức phát hành nhất định được quyền xem hoặc trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Danh sách các nhân viên có quyền xem số thẻ đầy đủ này phải được lập cụ thể và đầy đủ. Quy định chặt chẽ này có thể giảm bớt tình trạng các nhân viên ngân hàng lợi dụng quyền hành công việc lừa đảo khách hàng đã từng xảy ra.
Vào cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có một đợt yêu cầu các ngân hàng thực hiện việc tiêu hủy thẻ rác với kết quả là loại bỏ được gần 70 triệu thẻ rác. Số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành tại thời điểm cuối quý 1 năm nay còn 103,13 triệu thẻ, giảm mạnh so với con số 171,3 triệu thẻ hồi cuối tháng 9/2019. Tính đến đầu năm nay, Việt Nam có tổng cộng 87,78 triệu thẻ nội địa và 15,35 triệu thẻ quốc tế. Trung bình, mỗi một người dân Việt sở hữu 1 thẻ ngân hàng, tính cả trẻ nhỏ và người già.
Kim Chi