Việt Nam có thể mất vị thế số 1 thế giới về sản xuất cà phê robusta?

Trang Mai (Theo Reuters, Barchart) 13:21 | 25/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Đến một thời điểm nào đó, Brazil có thể vượt qua Việt Nam để trở thành nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới”, các chuyên gia cà phê thế giới dự báo.

Năng suất cà phê robusta của Brazil tăng 50% trong 10 năm

Theo báo cáo mới đây từ Reuters, Brazil dự kiến đạt mức tăng sản lượng cà phê hàng năm lần thứ 3 trong năm 2024. Đây sẽ là chuỗi tăng sản lượng 3 năm liên tiếp hiếm hoi, chỉ xảy ra 7 lần trong lịch sử 144 năm của ngành cà phê ở đất nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. 

“Đến một thời điểm nào đó, Brazil có thể vượt qua Việt Nam để trở thành nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới”, giới phân tích dự báo.

 Nông dân thu hoạch cà phê robusta ở Sao Gabriel da Palha, bang Espirito Santo, Brazil. Ảnh: Reuters

Theo nhận định từ chuyên gia, chuỗi tăng sản lượng tích cực nói trên có thể sẽ kéo dài thêm một năm nữa vào năm 2025, chủ yếu nhờ sản lượng cà phê robusta của Brazil tiếp tục tăng. Nổi tiếng là nhà sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới nhưng trong những năm gần đây, Brazil đã mở rộng diện tích cà phê robusta, vốn được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm hòa tan.

Theo chu kỳ hai năm của cà phê arabica, sản lượng cà phê Brazil thường trải qua xen kẽ năm được mùa và năm mất mùa. Cây cà phê arabica có xu hướng cho sản lượng ít hơn trong năm ngay sau vụ mùa bội thu hoặc ngược lại.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, chu kỳ này đã bị phá vỡ do các biến cố thời tiết khắc nghiệt bao gồm hạn hán và sau đó là sương giá tấn công các cánh đồng cà phê của Brazil vào năm 2020 và 2021.

Kể từ sau đó, Brazil sản xuất được nhiều cà phê hơn qua mỗi năm nhờ thay đổi cơ cấu cây trồng lẫn kỹ thuật canh tác sau đợt sương giá nghiêm trọng. Chẳng hạn như người trồng cắt tỉa và mở rộng sử dụng hệ thống tưới tiêu, đặc biệt là trên các cánh đồng cà phê robusta để đối phó tốt hơn với thời tiết khô hạn.

“Sự tăng trưởng sản lượng thực tế đang diễn ra. Không còn nghi ngờ gì nữa, vụ mùa cà phê trong năm tới cũng sẽ lớn hơn, kéo chuỗi tăng trưởng sản lượng lên 4 năm”. Marcio Ferreira, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) nói.

Các nhà phân tích xem sản lượng cà phê robusta ngày càng tăng ở Brazil là yếu tố chính giúp sản lượng cà phê tổng thể tăng ổn định hơn. Cây cà phê robusta không trải qua chu kỳ sản lượng năm cao, năm thấp như cây cà phê arabica.

“Thời tiết sương giá không xuất hiện ở các khu vực sản xuất cà phê robusta”, Celso Vegro, nhà nghiên cứu cà phê của Viện Kinh tế nông nghiệp (IEA) của Brazil nói khi đề cập đến các bang Espirito Santo và Bahia và Rondonia nằm ở phía bắc đất nước. Trong khi đó, cây cà phê arabica chủ yếu tập trung ở các bang Minas Gerais và Sao Paulo ở phía đông nam.

Theo Công ty cung ứng thực phẩm quốc gia Brazil (Conab), năng suất trung bình của các cánh đồng cà phê robusta ở nước này tăng khoảng 50% trong 10 năm, lên 44,2 bao (một bao tương đương 60 kg)/hecta. Ngược lại, năng suất trên các cánh đồng cà phê arabica chỉ tăng 24% trong cùng kỳ lên 26,7 bao/hecta.

Nguyên nhân khiến robusta Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt

Theo dữ liệu của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) và cuốn sách của Conab về lịch sử 150 năm cà phê của Brazil, sản lượng cà phê tăng trong 4 năm liên tiếp ở Brazil chỉ mới diễn ra một lần, từ năm 1989 đến năm 1992. Nếu sản lượng cà phê tiếp tục tăng trong năm 2025, đây là lần thứ hai ngành cà phê Brazil chứng kiến chuỗi tăng sản lượng 4 năm.

Conab ước tính, Brazil sẽ đạt sản lượng cà phê 58 triệu bao trong năm 2024, tăng 5% so với năm ngoái. Như vậy, sản lượng cà phê Brazil sẽ đạt tổng cộng 164 triệu bao trong 3 năm từ 2022 đến 2024.

Theo Cecafe, xuất khẩu cà phê trong tháng 1 của Brazil tăng 45% so với cùng kỳ, lên 3,7 triệu bao. Comexim, một trong những công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil, nâng ước tính xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 của Brazil lên 44,9 triệu bao so với ước tính trước đó là 41,5 triệu bao. Cuối năm ngoái, ICO dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2023-2024 sẽ tăng 5,8%, lên 178 triệu bao một phần nhờ sản lượng tiếp tục tăng của Brazil.

Một số khách hàng lớn đang hạn chế mua cà phê robusta từ Việt Nam do chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng tăng cao trong bối cảnh biến động ở Biển Đỏ. Thay vào đó, họ tìm kiếm thêm nguồn cung robusta từ Brazil.

Sản lượng cà phê robusta ở Brazil tăng giữa lúc Việt Nam, nhà sản xuất chính của loại cà phê này đang gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, khiến giá cà phê robusta lên mức cao nhất trong ít nhất 16 năm. Hiện tượng El Nino gây các điều kiện khô hạn ở nhiều nước châu Á gồm Việt Nam nhưng tạo ra lượng mưa lớn ở Brazil.

“Đến một lúc nào đó, Brazil có thể sẽ sản xuất nhiều cà phê robusta hơn Việt Nam”, Fernando Maximiliano, nhà phân tích cà phê của Công ty môi giới StoneX, nhận định.

Vụ thu hoạch ở Brazil bắt đầu vào khoảng tháng 4 đối với cây cà phê robusta và khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 đối với các cánh đồng cà phê arabica.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2024, cả nước xuất khẩu 160.584 tấn cà phê, kim ngạch đạt 528,5 triệu USD, giảm 32,6% về lượng và giảm 27,3% về kim ngạch so với tháng trước.

Cà phê tăng mạnh về giá

Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 438.000 tấn, với kim ngạch 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này đã đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam lập kỷ lục mới, vượt qua mốc 1 tỷ USD trong vòng chỉ hai tháng đầu năm. Đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm các ngành hàng nông sản. Không những thế, cà phê còn vượt qua cả thủy sản (kim ngạch 2 tháng đạt 1,2 tỷ USD), để chiếm vị trí thứ hai trong nhóm nông lâm thủy sản, chỉ đứng sau gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023. Dù sản lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. Dự kiến năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể đạt mốc 5 tỷ USD.

Sự sụt giảm sản lượng do tác động tiêu cực của thời tiết cũng khiến giá cà phê liên tục tăng cao thời gian qua, từ mức 38.000 đồng/kg vào đầu tháng 1/2023, đã vọt lên mức 61.000 đồng/kg vào giữa tháng 11/2023. Theo cập nhật của các trang thông tin chuyên về giá cà phê, thời điểm hiện tại, giá cà phê trong nước có xu hướng ổn định và đang đứng ở mức cao, vượt mốc 90.000 đồng/kg.