Cà phê ớt có thành cơn sốt theo trend thị trường F&B Việt?

Đức Huy 10:40 | 29/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia đánh giá chủ quán F&B hoàn toàn có thể theo các trend ngắn ngày với chi phí đầu tư thấp để có dòng tiền trong ngắn hạn.

Đầu tháng 2, tờ South China Morning Post, đăng tải bài báo với tiêu đề “Quán cà phê Trung Quốc bán hơn 300 ly cà phê ớt mỗi ngày, cơn sốt đồ uống kỳ lạ càn quét khắp nơi”. Bài báo nói về hiện tượng trong ngành F&B xứ Trung đầu năm, đó là latte đá rắc thêm bột ớt tạo ra một thức uống mới lạ.

Bắt nguồn từ một quán cà phê có tên Jingshi Coffee ở Giang Tây, Trung Quốc. Cửa hàng này đã thêm ớt bột và ớt chiên vào những cốc đồ uống của khách hàng từ tháng 12 năm ngoái. Hiện mỗi ngày Jingshi bán hơn 300 cốc cà phê ớt, theo Pear Video.

Video lan truyền trên Douyin - một nền tảng TikTok tại Trung Quốc, cho thấy nhân viên cửa hàng cắt ớt thành lát và cho vào cốc latte đá, sau đó đổ thêm bột ớt vào đồ uống trước khi phục vụ khách.

Cà phê ớt gây sốt Trung Quốc. (Ảnh: Weibo/SCMP).

Cà phê ớt có giá khoảng 20 nhân dân tệ (tức gần 70.000 đồng)/cốc và được gọi là Jiangxi Spicy Latte. Giang Tây là địa phương được biết đến có khẩu vị thường ăn đồ cay nhất Trung Quốc.

“Tôi không nghĩ nó cay lắm. Ngược lại, đồ uống có vị rât ngon. Cà phê ớt không lạ như mọi người vẫn tưởng”, một nhân viên quán chia sẻ. Người này cho hay quán nhận được phản hồi tích cực từ thực khách.

“Món latte mới này không dở. Vị nó hơi cay cay lẫn ngọt ngọt”, một người dùng trên ứng dụng đánh giá sản phẩm Dianping viết.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin về thức uống mới này.

Trong những năm gần đây, sáng tạo trong ngành F&B thế giới thường du nhập rất nhanh vào Việt Nam và thổi bùng lên các trend ngắn ngày. Đơn cử như trà chanh giã tay, lạp xưởng nướng đá, trà sữa nồi đất xuất hiện tại Trung Quốc sau đó tạo cơn sốt ở Việt Nam.

Giữa năm ngoái, bánh đồng xu phô mai vốn có nguồn gốc Hàn Quốc cũng được người tiêu dùng Việt Nam hưởng ứng, xếp hàng dài chờ mua.

Do đó, với tính độc đáo đi cùng xu hướng của cà phê ớt, câu hỏi đặt ra là khi nào thứ đồ uống này sẽ tạo sóng tại Việt Nam? Đặc biệt trước đó, cũng thuộc thực phẩm cay nóng, trend mì cay 7 cấp độ đã từng rất thành công tại Việt Nam trong suốt một thời gian dài.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tùng - chuyên gia trong lĩnh vực F&B, nhận định cà phê ớt sẽ không thể tạo trend như cà phê muối trước đó, bởi bản chất hai sản phẩm lõi khác nhau.

Cà phê muối vốn là sản phẩm lâu đời tại Huế, đã được người tiêu dùng bản địa chấp nhận, khi uống cũng có vị đặc sắc. Trong khi cà phê ớt chỉ mang tính chất là sản phẩm lạ, nên người dùng chỉ thử một lần cho biết, không phải là thứ đồ uống chinh phục khẩu vị - ông Tùng nêu quan điểm.

Ông Hoàng Tùng trong một sự kiện F&B đầu năm nay. (Ảnh: iPos.vn).

Bên cạnh đó, ông Tùng cũng chỉ ra sự khác nhau giữa trend mì cay 7 cấp độ từng rất thành công tại Việt Nam so với cà phê ớt. Ông cho hay ăn đồ cay vốn là thói quen tiêu dùng và 7 cấp độ chỉ làm tăng độ cay lên mức cực đoan để thử thách, phần còn lại mọi người đều có thể ăn ở cấp độ bình thường.

“Mì cay 7 cấp độ bản chất sản phẩm là ngon, có nước dùng ngon và chinh phục được người ăn. Những người muốn dạng thử thách siêu cay có thể ăn ở cấp độ 5,6,7. Trong khi cà phê ớt chỉ mang tính chất lạ, khẩu vị không đặc trưng khiến người dùng có thể uống đi uống lại. Đó là điểm khác biệt giữa hai sản phẩm này”, vị chuyên gia nhận xét.

Do đó, ông Tùng kết luận cà phê ớt không có nhiều yếu tố để thành trend tại Việt Nam, và nếu có thì cũng sẽ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian vô cùng ngắn.

Tương tự, Trần Đạt - chủ một quán cà phê khu vực Ngã Tư Sở, cho hay cà phê ớt sẽ là sản phẩm kén người uống nếu đưa vào menu. “Người ta sẽ chỉ tò mò vì cái tên lạ, còn để trải nghiệm uống thử theo tôi sẽ rất ít người dám. Cho ớt vào đồ uống không phải là một thói quen tiêu dùng của người Việt”, Đạt bình luận.

Xu hướng F&B năm 2024

Theo quan sát của các nhà phân tích, năm 2024 ngành F&B sẽ có sự phục hồi khi thời điểm khó khăn nhất đã dần qua đi. “Những quán nào không trụ được họ đã rời thị trường rồi. Thương hiệu còn tồn tại thì đều có mô hình, sản phẩm, tệp khách hàng và nội lực đặc biệt riêng”, ông Tùng nhận xét.

Bên trong một quán cà phê ở Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Theo ông, các trend ngắn ngày trong ngành F&B là cơ hội tốt để các chủ quán nắm bắt thị trường, tạo ra dòng tiền ngắn hạn trong thời điểm sức mua khó khăn. Việc quyết tâm theo trend hay không thì nên cân nhắc đánh giá trend ngắn ngày hay dài ngày.

“Có những sản phẩm chỉ là trend ngắn thôi, bùng lên xong thôi. Trend ngắn vào ngắn ra nhanh trong khi trend dài mọi người có thể đưa vào menu chính, bán dài hơi hơn như cà phê muối chẳng hạn”, ông Tùng nói.

Theo vị chuyên gia, chủ quán khi làm mô hình mới phải xét về chi phí đầu tư. Có những mô hình chi phí đầu tư rẻ, chỉ vài triệu thì có thể cân nhắc, coi như công cụ marketing để kéo khách đến quán, khi hết trend rồi thôi. Trường hợp thất bại cũng không đáng kể.

Đối với những mô hình đòi hỏi đầu tư lớn, cần cân nhắc bài toán tài chính hơn. Chẳng hạn mô hình đang bùng nổ ở Việt Nam như chuỗi Mixue, Cotti đòi hỏi đầu tư tiền tỷ.