Việt Nam đang thực thi 12 trong số 20 hiệp định FTA
Theo bà Hiền, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 hiệp định thương mại tự do cho giai đoạn 2018 - 2022/2023. Cùng với đó, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018. Các Hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Australia-New Zealand (2022) đạt tỉ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019.
Đáng chú ý, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Việt Nam và các nước thành viên CPTPP cũng cam kết miễn thuế đối với các trường hợp như: Hàng hóa tái nhập khẩu sau khi được sửa chữa hoặc thay thế; hàng tạm nhập khẩu để sửa chữa hoặc thay thế mà không thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm; hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể và ấn phẩm quảng cáo; hàng tạm nhập là các thiết bị chuyên ngành;... container bất kể xuất xứ từ đâu, đang hoặc sẽ được dùng để vận chuyển hàng hóa trong giao thông quốc tế. Các giao dịch điện tử, bao gồm các nội dung được truyền đưa bằng phương thức điện tử cũng được miễn thuế nhập khẩu.
Đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), sau khi được ký kết vào cuối tháng 6/2019, Hiệp định EVFTA sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU tiến hành các thủ tục phê chuẩn và dự kiến có hiệu lực thực thi vào nửa đầu năm 2020. Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Và, các dòng thuế cắt giảm sẽ lên tới 99% sau 10 năm tiếp theo, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Với các dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.
"Cam kết về thuế xuất khẩu trong Hiệp định EVFTA cơ bản tương tự như cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP,” bà Hiền nói.
Hiện Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ ký ban hành Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hoá giữa ASEAN và Hong Kong (Trung Quốc) - AHKFTA giai đoạn 2019-2022. Mức thuế suất AHKFTA được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định AHKFTA.
Biểu thuế AHKFTA theo Danh mục biểu thuế hài hoà ASEAN năm 2017 (AHTN 2017) giai đoạn 2019 - 2022 gồm 10.856 dòng thuế, trong đó gồm 10.775 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 81 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số (từ 38 dòng cấp độ 8 số). Lộ trình cắt giảm thuế quan trong biểu thuế ban hành được áp dụng cho 4 giai đoạn theo từng năm, từ năm 2019 - 2022. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ khoảng 72% số dòng thuế của Biểu thuế AHKFTA (tương ứng 7.818 dòng thuế). Danh mục cam kết theo kết cấu Biểu thuế AHKFTA giai đoạn 2019 -2022, ngoài 7.818 dòng thuế xoá bỏ, có 457 dòng thuế nhạy cảm (chiếm 4,2% số dòng thuế); 536 dòng thuế nhạy cảm cao (chiếm 4,94%); 2.045 dòng thuế không cam kết (chiếm 18,84%)...