Việt Nam sẽ có 51,5 triệu USD nếu giảm 10,3 triệu tấn khí carbon
51,5 triệu USD là khoản tiền mà Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới dự kiến trao cho Việt Nam.
Điều kiện để nhận được khoản tiền này là từ nay đến năm 2025, Việt Nam giảm phát thải 10,3 triệu tấn khí carbon ở sáu tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Đây là nội dung của thỏa thuận vừa được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới.
Thỏa thuận này là thành quả của sự hợp tác giữa Việt Nam, Quỹ FCPF và Ngân hàng Thế giới trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu đã đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Chương trình giảm phát thải của Việt Nam được xây dựng nhằm xử lý các nguyên nhân cơ bản của việc mất rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, từ đó giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng. Chương trình đồng thời cũng hỗ trợ việc phục hồi rừng. Khu vực này được lựa chọn vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế xã hội. Khu vực dự án bao gồm 5,1 triệu héc-ta đất (16% diện tích đất của cả nước), trong số đó 3,1 triệu héc-ta là rừng, và bao gồm năm hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Dân số của khu vực này là khoảng 10,5 triệu người, gần một phần ba trong số đó sống dưới mức nghèo đói của cả nước.
Phá rừng có thể khiến cho thời tiết trở nên cực đoan. Ảnh minh họa bão lũ miền Trung từ internet.
Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, cho biết: Chương trình này sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung quan trọng để đầu tư vào rừng và giảm mất rừng trong khi vẫn tạo ra thu nhập cho các chủ rừng và nâng cao phát triển bền vững ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên thế giới đạt được thỏa thuận quan trọng này với Quỹ FCPF. Các thỏa thuận chi trả giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu.
Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) là quỹ hợp tác toàn cầu của các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức của người bản địa tập trung vào việc giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon rừng ở các nước đang phát triển, các hoạt động thường được gọi là REDD+. Từ khi Quỹ được thành lập vào năm 2008, FCPF đã làm việc với 47 quốc gia đang phát triển trên khắp châu Phi, châu Á, châu Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, cùng với 17 nhà tài trợ đã đóng góp và cam kết với tổng trị giá 1,3 tỷ USD.
Ngọc Long