Ngày 28/10/2020, tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPBF) được tổ chức tại Hà Nội, doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, trong đó có Bản ghi nhớ hợp tác về thịt lợn Hoa Kỳ – Việt Nam giữa Công ty Liên minh Thương mại Việt Nam và tập hợp những nhà cung cấp Hoa Kỳ.
Thỏa thuận này sẽ thiết lập cam kết giữa một nhà chế biến và bán lẻ lớn của Việt Nam trong việc mua
thịt lợn ướp lạnh và đông lạnh của Hoa Kỳ. Liên minh Thương mại Việt Nam (VTA) là một công ty nhập khẩu thực phẩm có trụ sở tại Việt Nam với quyền sở hữu đáng kể của Hoa Kỳ. Giá trị mua lại ước tính 100 triệu USD cho năm đầu tiên với tổng giá trị giao dịch trong 3 năm lên đến 500 triệu USD.
Liên minh Thương mại Việt Nam, đại diện cho nhiều người mua và nhà sản xuất Việt Nam, đồng ý với chương trình 3 năm mua 300-500 triệu USD thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn ướp lạnh và đông lạnh của
Hoa Kỳ để chế biến thêm và phân phối tại thị trường Việt Nam. Điều này bao gồm việc thiết lập một chuỗi cung ứng được thỏa thuận trước, các sản phẩm cụ thể và giá cả, cũng như một cơ chế nhập khẩu nhằm quản lý tài sản.
Xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của Hoa Kỳ sang Việt Nam đã tăng từ 4 triệu USD năm 2015 lên mức kỷ lục 35 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2020. Dựa trên các yếu tố như doanh số bán hàng trước đây, tầng lớp trung lưu Việt Nam ngày càng tăng với nhu cầu ngày càng cao về thịt, và các sản phẩm nông nghiệp Hoa Kỳ chất lượng cao và giá trị, VTA ước tính rằng tiềm năng bán hàng theo thoả thuận này có thể lên tới 500 triệu USD trong thời gian 5 năm.
Hoạt động xuất khẩu này cũng sẽ giúp tăng tổng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ sang Việt Nam, giúp giải quyết sự mất cân bằng thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam và hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, người chăn nuôi và các công ty chế biến của Hoa Kỳ.
Nhập khẩu thịt lợn tăng hơn 350% trong tháng 9
Trước việc giá thịt lợn trong nước duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài sau tác động của dịch tả heo châu Phi, lượng thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Brazil, Nga… gia tăng đáng kể và dần được đón nhận của người tiêu dùng.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 64.660 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 152,56 triệu USD, tăng 272,6% về lượng và tăng 352,6% về trị giá so với cùng kì năm 2019. Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020.
Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, có hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt heo và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Trước đó vào ngày 24/7, "Tuần lễ thịt heo Mỹ" đã diễn ra tại 50 siêu thị, minimart ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đây là thịt heo (thịt lợn) được nhập khẩu từ nhà phân phối Tyson Foods của Mỹ, nhà sản xuất và xuất khẩu thịt lớn thứ 2 thế giới
Mỹ là nhà cung cấp thịt lợn nằm trong top 5 cho thị trường Việt Nam trong các tháng đầu năm 2020. Theo các DN, giá thịt lợn nhập khẩu chịu tác động mạnh bởi thị trường Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay Trung Quốc có 2 đợt gom mmạnh thịt lợn gồm đợt mua của các DN tư nhân và đợt mua dự trữ của chính phủ. Khi giá thịt lợn tại Mỹ hạ nhiệt, các DN Việt Nam đang đẩy mạnh mua vào, dự kiến nguồn hàng này đến tháng 8 mới ra thị trường. Tuy giá thịt lợn tại Mỹ đang rẻ hơn nhưng các DN phải đóng thuế nhập khẩu 15% nên tại Việt Nam, giá thịt lợn Mỹ và Nga đang tương đương nhau do thuế nhập khẩu thịt lợn từ Nga là 0%.
Nguyễn Dung(t/h)