Vinaconex muốn mua tối đa hơn 44 triệu cổ phiếu quỹ làm gì khi đang còn vướng nợ?
Dự kiến mua 44,17 triệu cổ phiếu quỹ
Vừa qua, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) đã công bố chủ trương mua lại tối đa 44,17 triệu cổ phiếu (tương đương 10% vốn điều lệ) để làm cổ phiếu quỹ.
Mục đích của việc đầu tư này được cho là nhằm tăng hiệu quả cho doanh nghiệp, tăng giá trị cho cổ đông.
Nguồn vốn mua lại cổ phiếu là từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính kiểm toán/soát xét gần nhất trước khi thực hiện, cụ thể 1.644 tỷ đồng.
Vinaconex sẽ mua lại tối đa 10% vốn điều lệ để làm cổ phiếu quỹ.
Trên báo cáo soát xét bán niên 2020, tổng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và vốn khác thuộc chủ sở hữu là hơn 1.478 tỷ đồng.
Hiện, VCG đang có 441,7 triệu cổ phiếu niêm yết. Trong cơ cấu cổ đông, ghi nhận cổ đông lớn nhất của VCG là Công ty TNHH An Quý Hưng nắm giữ 254,9 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu 57,71%.
Trước đó, VCG có 2 cổ đông lớn là Công ty Bất động sản Cường Vũ nắm giữ 94.010.175 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 21,28%) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest nắm giữ 33.455.400 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 7,57%), đã thoái toàn bộ cổ phần tại VCG vào ngày 14/8/2020.
Sau khi 1 cổ đông trên thoái toàn bộ, VCG không xuất hiện thêm cổ đông lớn nào khác ngoài An Quý Hưng.
Trên thị trường, cổ phiếu VCG đang có giá 43.900 đồng/cp, tương đương vốn hóa thị trường gần 19.400 tỷ đồng. Tạm tính theo giá này, số tiền Vinaconex dự chi 1.936 tỷ đồng khi mua tối đa lượng cổ phiếu trên.
Giới quan sát nhận định, nhà đầu tư cần thận trọng tránh mắc bẫy làm giá cổ phiếu ở thời điểm này.
Tuy nhiên, với khối lượng cổ phiếu VCG đang giao dịch trên sàn tương đối thấp, cơ cấu cổ đông cô đặc, nhiều người quan tâm đến việc Vinaconex mua lại cổ phiếu để làm gì?
VCG chưa công bố sẽ mua theo hình thức nào, giao dịch khớp lệnh hay thỏa thuận, nhưng các vấn đề về tài chính của VCG đang được nhà đầu tư rất quan tâm khi VCG ở tình trạng mắc kẹt trong các khoản nợ...
Vướng nợ, hoạt động kinh doanh giảm
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của Vinaconex, tổng tài sản là 19.356 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 4.417 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.048 tỷ đồng.
Hiện, VCG đang tồn kho hơn 1.984 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn là 6.798 tỷ đồng, trong đó dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tính đến ngày 30/9 là 1.582 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả của VCG tính đến ngày 30/9 là 10.559 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 6.832 tỷ đồng, nợ dài hạn là 3.727 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn phải thu tăng, nợ phải trả rất lớn. Bài toán cân đối tài chính của công ty không dễ giải trong bối cảnh này.
Báo cáo hợp nhất của VCG trong 9 tháng đầu năm nay cũng chỉ ra rằng, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 3.157 tỷ đồng.
VCG còn có một khoản cho vay ngắn hạn đột biến trong kỳ là Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng, vay 595 tỷ đồng. Vinaconex Xây dựng là một công ty con của VCG, VCG góp vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty này còn các khoản phải thu ngắn hạn tại các công ty con, công ty liên kết khác. Một số công ty con của VCG, chẳng hạn Công ty cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Vinaconex (VCR - VCG nắm giữ 53,6%) lại đang mắc kẹt với dự án bất động sản, khiến khả năng thu hồi nợ trở nên chưa rõ ràng.
Tuy có lãi đột biến 1.037 tỷ đồng sau thuế, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước nhờ thoái vốn toàn bộ tại 3 công ty nhưng các mảng hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của VCG đều giảm mạnh hiệu quả trong kỳ.
Khoản lãi đột biến đến chủ yếu từ việc bán một loạt dự án trong kỳ, đặc biệt là khoản thu từ chuyển nhượng 50% cổ phần tại liên doanh An Khánh. Tính chung, trong 9 tháng đầu năm 2020, VCG ghi nhận khoản thu gần 3.000 tỷ đồng từ thoái vốn các công ty con, công ty liên kết.
VCG cũng đã có quyết định không tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng và Vinaconex Đầu tư - hai công ty con - vì lý do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Hiện, VCG đã chuyển từ mảng kinh doanh cốt lõi là chủ đầu tư xây dựng sang làm nhà thầu xây lắp, tham gia phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này chưa đủ để nhà đầu tư yên tâm khi doanh thu chủ yếu của VCG hiện lại là doanh thu tài chính và lợi nhuận có được nhờ bán dự án, thoái vốn công ty con, trong khi các mảng kinh doanh đang ghi nhận doanh thu sụt giảm.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu từ kinh doanh bất động sản chỉ ghi nhận hơn 176 tỷ đồng, trong khi hoạt động xây lắp mang về 1.927 tỷ đồng.
Lê Chi