Vinamilk: Thương hiệu tỷ USD của sữa Việt đang vươn tầm thế giới
Hành trình khẳng định vị thế của Vinamilk - Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam với tên gọi khác là Vinamilk, là doanh nghiệp kinh doanh sữa và các chế phẩm từ sữa nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam. Đơn vị thành lập từ 20 tháng 8 năm 1976, tại trụ sở chính là 10 Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Sau hơn 40 năm thành lập, Vinamilk khẳng định vị thế hàng đầu thị trường của mình khi là một trong những công ty thuộc Top 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ đô tốt nhất Châu Á Thái Bình Dương (Best over a billion) trong năm 2018.
Trải qua quá trình liên tục xây dựng và phát triển, công ty đã xây dựng được 14 nhà máy sản xuất, 2 xí nghiệp kho vận, 3 chi nhánh văn phòng bán hàng, 1 nhà máy sữa tại Campuchia (Angkormilk), 1 văn phòng đại diện tại Thái Lan.
Hình ảnh của nhà máy sữa bột Việt Nam thuộc Vinamilk
Ban đầu, Vinamilk có tên là Công ty Sữa – Cà Phê Miền Nam, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm miền Nam. Năm 1982, đơn vị mới đổi tên thành xí nghiệp liên hiệp Sữa - Cà phê – Bánh kẹo I.
Tới tháng 3/1992, cái tên Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) mới chính thức được sử dụng. Đơn vị cũng tập trung vào việc sản xuất, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, xây dựng thêm các nhà máy sữa để phát triển thị trường khắp cả nước.
Từ giai đoạn này tới đầu những năm 2000, trong thời kỳ đổi mới, Vinamilk liên doanh và hợp tác với nhiều đơn vị để không ngừng mở rộng mạng lưới nhà máy và địa chỉ phân phối, thâm nhập sâu vào các thị trường tiềm năng.
Tới năm 2003, công ty thực hiện cổ phần hóa, lên sàn giao dịch chứng khoán với mã VNM, chính thức đổi thành Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam. Trong 2 năm tiếp theo, công ty mua lại Công ty Cổ phần sữa Sài Gòn và Công ty Liên doanh Sữa Bình Định, liên doanh với SABmiller Asia B.V, tăng vốn điều lệ lên hơn 1,590 tỷ đồng.
Năm 2006, Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện 50.01% vốn điều lệ thuộc về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước.
Tới ngày nay, Vinamilk đã có mạng lưới rộng khắp với hơn 220.000 điểm bán hàng trên 63/63 tỉnh, thành phố.
Sản phẩm sữa Vinamilk được phân phối rộng khắp trên các tỉnh thành tại Việt Nam
Vinamilk đã giữ vững vị thế hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa, chiếm hơn 54,5% thị phần sữa nước, 40,6% thị phần sữa bột, 33,9% thị phần sữa chua uống, 84,5% thị phần sữa chua ăn và 79,7% thị phần sữa đặc trên toàn quốc.
Không chỉ vậy, thương hiệu sữa Việt tỷ USD cũng đang ngày một vươn tầm thế giới khi xuất khẩu sang hàng chục quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Pháp, Canada, Ba Lan, Đức, Nhật Bản khu vực Trung Đông, Đông Nam Á...
Vào những ngày đầu năm 2021, Vinamilk cũng đánh dấu bước tiến mới khi khai thác thành công thị trường lớn Trung Quốc với nhiều tiềm năng. Lô hàng lớn xuất khẩu đi Trung Quốc gồm 2 sản phẩm sữa hạt và sữa đặc là quà xông đất của thương hiệu này.
Có thể thấy rằng, ngoài trừ các thị trường thế mạnh như Trung Đông, Đông Nam Á, Mỹ… mà Vinamilk đang khai thác trong những năm qua, doanh nghiệp cũng không ngừng phát triển các thị trường tiềm năng mới như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia mới tại khu vực Châu Phi.
Tính đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch đạt hơn 2,4 tỷ USD.
Công ty Vinamilk được Forbes xếp hạng doanh nghiệp tỷ USD của Việt Nam với giá trị thương hiệu đạt hơn 1,5 tỷ USD vào năm 2016. Cổ phiếu của Vinamilk được xếp là cổ phiếu blue-chip tại Việt Nam, dành cho những doanh nghiệp có mức tăng trưởng và doanh thu ổn định. Đây là một vị thế xác đáng đối với thương hiệu sữa Việt hàng đầu nước ta.
Đơn vị trực thuộc của Vinamilk
Công ty con nước ngoài/liên kết tại nước ngoài
DRIFTWOOD DAIRY HOLDING CORPORATION (100%)
ANGKOR DAIRY PRODUCTS CO., LTD. (100%)
VINAMILK EUROPE SPÓSTKA Z OGRANICZONA ODPOWIEDZIALNOSCIA (100%)
LAO-JAGRO DEVELOPMENT XIENGKHOUANG CO., LTD (51%)
MIRAKA HOLDINGS LIMITED (22,81%)
Vinamilk không ngừng đầu tư, phát triển để mở rộng các nhà máy và trang trải, gia tăng sản lượng
Công ty con nội địa/liên kết trong nước
CÔNG TY TNHH MTV BÒ SỮA VIỆT NAM (100%)
CÔNG TY TNHH MTV BÒ SỮA THỐNG NHẤT THANH HÓA (100%)
CÔNG TY CỔ PHẦN GTNFOODS (75%)
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐƯỜNG VIỆT NAM (65%)
CÔNG TY CHẾ BIẾN DỪA Á CHÂU (25%)
CÔNG TY CỔ PHẦN APIS (20%)
Thông điệp gắn kết qua logo thương hiệu Vinamilk
Là thương hiệu Việt ở vị thế hàng đầu, mọi người tiêu dùng trên thị trường Việt Nam đều nằm lòng logo biểu trưng của Vinamilk. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của nó.
Logo của công ty Vinamilk được thiết kế đơn giản với tên thương hiệu, xây dựng dựa trên ba màu sắc nổi bật là màu xanh dương, màu xanh lá và màu trắng. Mỗi màu sắc lại có hàm ý riêng. Trong đó, màu xanh dương là biểu thị cho sức sống tinh túy, màu xanh lá đại diện cho cánh đồng cỏ xanh và màu trắng là sự thuần khiết của dòng sữa tươi ngon mát lành.
Logo này chính là thông điệp mà Vinamilk muốn gửi tới khách hàng với tiêu chí hàng đầu là đưa những sản phẩm có nguồn dinh dưỡng tốt nhất, chất lượng nhất tới tay khách hàng.
Hình ảnh logo gắn liền với thương hiệu sữa Việt được đông đảo người tiêu dùng biết tới
Vinamilk trong thời kỳ đại dịch
Đặt trong bối cảnh toàn nền kinh tế gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, đại đa số các doanh nghiệp lớn và nhỏ đều rơi vào tình trạng thua lỗ lao đao, một số ít giữ được mức tăng trưởng nhỏ lẻ, có lợi nhuận đi ngang là thành tựu đáng nể. Thế nhưng lợi nhuận sau thuế của Vinamilk vẫn tăng ở mức 6,5%.
Cuối năm 2020, doanh nghiệp vẫn ghi nhận tăng trưởng. Tính riêng quý IV của năm, mức lợi nhuận sau thuế của Vinamilk tăng 2.7%. Theo Công ty Chứng khoán SSI tính toán, tăng trưởng lợi nhuận có thể lên đến 12% so với cùng kỳ trong quý IV/2020 nếu loại trừ tác động ròng của thu nhập và chi phí liên quan đến khoản đầu tư vào GTNfoods - công ty sở hữu gián tiếp thương hiệu Sữa Mộc Châu.
Bên cạnh đó, trong khi năm vừa qua, bối cảnh tiêu thụ sữa suy giảm tới 8,2% thì hoạt động kinh doanh của Vinamilk vẫn tăng thêm 0,3% thị phần, đưa tổng thị phần lên khoảng 54%.
Doanh thu cả năm 2020 tăng 5,9% lên trên 59.600 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và tăng 6,5% lên tới 11.236 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp trong nước đạt 46,9% trong quý IV/2020, trong khi ba quý đầu năm mức biên lợi nhuận cao hơn, ở với mức 47,2% - 49,4%.
Theo SSI đưa ra ước tính, trong năm 2021 này, doanh thu của Vinamilk có thể tăng trưởng 7,2%, lên tới 63,95 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 7,4%, đạt 12,06 nghìn tỷ đồng.
Với cổ phiếu Vinamilk, tính toán của SSI cho thấy hệ số P/E năm 2021 của Vinamilk ước đạt 20,4 lần, thấp hơn tới 20% so với các công ty cùng ngành trong khu vực.
Trong bản trình kế hoạch năm 2021 của Hội đồng quản trị có ghi rõ doanh thu dự kiến là 62.160 tỷ đồng, tăng 4.2% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 11.120 tỷ đồng.
Như vậy, giữa đại dịch Covid-19, trong khi các doanh nghiệp khác vẫn còn phải chật vật để hồi phục về mức trước dịch thì lợi nhuận sau thuế của Vinamilk lũy kế hai năm 2020 - 2021 có thể tăng trưởng kép 14,3%.
Vinamilk vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng trong suốt năm 2020 dù đối mặt với khó khăn do đại dịch gây ra
Bộ sưu tập danh hiệu và phần thưởng của Vinamilk
Lịch sử hơn 40 năm khẳng định vị thế và thương hiệu của mình đã giúp Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đạt đượt nhiều thành tựu to lớn. Để minh chứng cho kết quả đó, qua các năm, Vinamilk đều tích lũy được không ít danh hiệu và phần thưởng danh dự có thể kể đến như sau:
Danh hiệu Anh hùng Lao động (2000).
Huân chương Độc lập Hạng III (2005, 2016).
Huân chương Lao động hạng III (1985, 2005), hạng II (1991), hạng I (1996).
Top 15 công ty tại Việt Nam (UNDP).
Top 200 Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ ở châu Á do Forbes Asia bình chọn (2010,2019).
Top 10 thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích nhất Việt (Nielsen Singapore 2010).
Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thị trường Việt Nam (VNR500).
Top 50 Doanh nghiệp sữa có doanh thu lớn nhất thế giới (Đứng thứ 49) - Theo báo cáo của Euro Monitor & KPMG (2016)
Top 10 trong 1.000 thương hiệu hàng đầu Châu Á (Đứng hàng thứ 4) - Tạp chí Campaign Asia-Pacific (dựa theo AC Nielsen) (2016)
300 công ty năng động nhất châu Á (Asia 200) - Tạp chí Nikkei (2016)
Top 3 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam (2014-2016) - Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen và mạng Anphabe.com.
Hình ảnh của người đại diện Vinamilk lên nhận giải thưởng tại Lễ vinh danh 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất năm 2018
Các sản phẩm kinh doanh đặc trưng của Vinamilk
Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk đã cung cấp hơn 250 chủng loại sản phẩm với các ngành hàng chính:
Sữa đậu nành - nước giải khát: nước trái cây Vfresh, nước đóng chai Icy, sữa đậu nành GoldSoy...
Kem và phô mai: kem sữa chua Subo, kem Delight, Twin Cows, Nhóc Kem, Nhóc Kem Ozé, phô mai Bò Đeo Nơ...
Sữa đặc: Ngôi Sao Phương Nam (Southern Star), Ông Thọ và Tài Lộc...
Sữa bột: sữa bột trẻ em Dielac, Alpha, Pedia, Grow Plus, Optimum (Gold), bột dinh dưỡng Ridielac, sữa bột người lớn như Diecerna đặc trị tiểu đường, SurePrevent, CanxiPro, Mama Gold, Organic Gold, Yoko...
Sữa chua: sữa chua ăn, sữa chua uống với các nhãn hiệu SuSu, Probi, ProBeauty, Vinamilk Star, Love Yogurt, Greek, Yomilk...
Sữa nước: Sữa tươi 100%, sữa tiệt trùng bổ sung vi chất, sữa tiệt trùng, sữa organic, thức uống cacao lúa mạch với các nhãn hiệu ADM GOLD, Flex, Super SuSu...
Lời kết
Với những bước tiến vững vàng, không ngừng phát triển và mở rộng, Vinamilk đang khẳng định vị thế của bản thân như “ông hoàng” của ngành công nghiệp Sữa Việt. Những danh hiệu và thành tựu đạt được trong suốt thời gian qua chính là minh chứng rõ ràng nhất cho năng lực và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp tỷ USD này.
Xem thêm: Vinamilk chia cổ tức đợt 3 cho cổ đông với số tiền 2.299 tỷ đồng
Phương Thúy