Vingroup tái xuất trên thị trường bán lẻ

13:52 | 07/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội đã nhập khoảng 70% lượng hàng hóa từ Vingroup. Chủ cửa hàng nói rằng, nhờ VinShop họ đã có thể cắt giảm chi phí hàng tồn kho tổng thể của mình.
Trong một cửa hiệu tạp hoá rộng chừng 30m2 nằm trên một con phố nhộn nhịp của Hà Nội, lượng khách vào ra không ngớt để tìm mua những sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Tại đây có bán đủ thứ từ thực phẩm, đồ lặt vặt tới quần áo,… Cửa hiệu này là một trong số hàng nghìn cửa hiệu tạp hoá truyền thống khác đang thống trị ngành bán lẻ tại Việt Nam, tờ Nikkei Asia viết.
 
Mặc dù khoác lên mình vẻ ngoài cũ kỹ của một tiệm tạp hoá truyền thống, nhưng những thay đổi kể từ mùa thu năm ngoái đang diễn ra mạnh mẽ bên trong, mang đến cho nó một nét hiện đại rõ rệt: Tham gia vào VinShop, dịch vụ bán buôn mới của Vingroup được xây dựng đặc biệt dành riêng cho những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ như vậy.
 
Vingroup tái xuất trên thị trường bán lẻẢnh: Nikkei Asia

"Đối với một cửa hiệu như của chúng tôi, việc đặt mua hàng hoá có thể trở nên rất phức tạp", người chủ cửa hàng 38 tuổi chia sẻ. "Dịch vụ mới của Vingroup rất tiện lợi vì chúng tôi có thể tiếp cận được nhiều nguồn cung cấp khác nhau chỉ trong một lần đặt và giao hàng".
 
Đã từng một thời, các cửa hàng tạp hoá truyền thống phải đau đầu khi đứng trước rất nhiều lựa chọn khác nhau từ hàng trăm nhãn hàng và một đội quân môi giới, giới thiệu sản phẩm mỗi ngày. Nhưng giờ đây, một chiếc xe tải của Vingroup sẽ đến vào mỗi buổi sáng và cung cấp hầu hết mọi mặt hàng cần thiết, tất cả đều được đóng gói gọn gàng.
 
Là một tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, Vingroup gần như không có mối liên hệ nào với những cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ, trước khi VinShop được ra mắt vào tháng 10/2020. Nhưng hiện nay, tập đoàn đang tích cực hợp tác với những cửa hàng buôn bán nhỏ trong một nỗ lực mới nhằm quay trở lại thị trường bán lẻ.
 
Tính đến hết tháng 12/2020, đã có khoảng 40.000 cửa hàng tạp hoá ở Việt Nam tham gia vào VinShop, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Các cửa hàng trên VinShop cũng đồng ý cho khách thanh toán thông qua VinID, ứng dụng ví điện tử của Vingroup với hơn 10 triệu người dùng.

Vingroup gọi VinShop là kênh B2B2C, hay kênh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhờ giảm chi phí mua sắm và quảng cáo định kỳ thông qua ứng dụng VinID, các cửa hàng sử dụng VinShop đã ghi nhận doanh thu tăng lên khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, theo Vingroup.
 
Các cửa hiệu tạp hoá tham gia VinShop buộc phải treo biển thông báo họ đang nhập hàng từ Vingroup. Song họ không bị ràng buộc độc quyền với dịch vụ này, những cửa hiệu tạp hoá vẫn có thể làm việc với những đơn vị bán buôn khác, nếu họ muốn.
 
Cửa hàng tạp hoá nói trên ở Hà Nội đã nhập khoảng 70% lượng hàng hoá từ Vingroup. Chủ cửa hàng nói rằng, nhờ VinShop họ đã có thể cắt giảm chi phí hàng tồn kho tổng thể của mình.
 
Vingroup cũng đã hợp tác với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để hỗ trợ tài chính cho những "ông chủ nhỏ" trên VinShop. Theo đó, các cửa hàng mua một lượng hàng nhất định của Vingroup sẽ được vay vốn không cần thế chấp lên tới 70 triệu đồng, không tính lãi suất trong vòng 40 ngày đầu.
 
Đây là một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ quy mô lớn, vốn thường gặp vấn đề về dòng tiền. Đơn cử như các cửa hàng thường cần dự trữ hàng tồn kho trước Tết Nguyên Đán. Nhưng việc tìm kiếm nguồn vốn để nhập hàng thường rất khó khăn.
 
Vingroup tái xuất trên thị trường bán lẻ
Các khách hàng của VinShop có thể thanh toán thông qua VinID, ví điện tử do Vingroup phát triển. (Ảnh: Nikkei Asia)

Theo Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng gấp đôi quy mô từ năm 2010 lên 180 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, các siêu thị và mô hình bán lẻ hiện đại khác chỉ chiếm chưa tới 25% thị phần.
 
Các cửa hàng tạp hoá truyền thống quy mô nhỏ lẻ được kỳ vọng sẽ vẫn là lực lượng thống trị trong ngành bán lẻ Việt Nam trong một thời gian tới. Vingroup có kế hoạch hợp tác với những cửa hàng này để tạo ra các cơ hội kinh doanh mới sau những thất bại gần đây của chính họ trong lĩnh vực bán lẻ, tờ Nikkei Asia nhận xét.
 
Trước đó, Vingroup là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam với khoảng hơn 2.600 cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên khắp cả nước. Song mở rộng nhanh chóng đã khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ.
 
Cuối tháng 12/2019, Vingroup thông báo rút khỏi mảng kinh doanh bán lẻ và sau đó chuyển nhượng cổ phần trong các công ty con cho Masan Group - tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam, trong một thương vụ M&A.
 
Theo Kinh tế & Tiêu dùng